221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
1015424
Tổng thống Pakistan dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia
1
Article
null
Tổng thống Pakistan dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia
,
Hôm nay 15/12, Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã kí sắc lệnh dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài suốt 6 tuần qua và khôi phục lại hiến pháp. Đây được coi là động thái nhằm làm giảm nhẹ chiến dịch đàn áp tại Pakistan, vốn làm những người chống đối ông Musharraf phẫn nộ và các thế lực ủng hộ từ phương Tây lo lắng.

Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (Ảnh AFP)
Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf (Ảnh AFP)
Bộ trưởng Thông tin Nisar Memon gọi hôm nay là "một ngày lịch sử" và cho rằng cuộc bầu cử quốc hội vào tháng tới sẽ góp phần đưa đất nước trở lại con đường dân chủ.

"Chính phủ lâm thời đang tuân thủ lời hứa tổ chức các cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch nhằm đưa đất nước trở lại quỹ đạo", ông Memon nói.

Tổng thống Musharraf hiện vẫn đối mặt với những chỉ trích ở cả trong và ngoài nước rằng các vòng bỏ phiếu vào ngày 8/1 tới sẽ không diễn ra suôn sẻ. Việc vị lãnh đạo được Mỹ hậu thuẫn này ban hành sắc lệnh khẩn cấp quốc gia từ ngày 3/11 đã đẩy Pakistan vào tình trạng hỗn loạn và dấy lên những nghi ngại sâu sắc về cuộc bầu cử vốn sẽ quyết định ai là người đứng đầu chính phủ mới.

Ông Musharraf giải thích rằng quyết định áp dụng tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn chặn âm mưu của các thẩm phán hàng đầu đất nước trong việc chấm dứt thời kỳ cầm quyền của ông cũng như phòng ngừa khủng hoảng chính trị có thể cản trở những nỗ lực chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Pakistan. Ông Musharraf cũng nhấn mạnh rằng Tòa án tối cao, cơ quan có trách nhiệm ra phán quyết cuối cùng về việc ông có tái cử trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống hồi tháng 10 hay không, từng hành xử bất chấp hiến pháp.

Hôm 14/12, ông Musharraf đã cho sửa đổi hiến pháp nhằm tăng cường sự bảo vệ pháp lý cho bản thân. Theo Chưởng lý Malik Mohammed Qayyum, ông Musharraf đã hủy bỏ một điều khoản quy định các công chức phải đợi 2 năm sau khi mãn nhiệm mới được ra tranh cử các vị trí trong chính quyền.

Ông Qayyum cho biết các sửa đổi hiến pháp khác đã chứng thức hóa việc nghỉ hưu của một số thẩm phán thuộc Tòa án tối cao bị thanh trừng, kể cả cựu Chánh án Iftikhar Mohammed Chaudhry, người từ chối hoặc đã không được mời kí vào bản tuyên thệ mới sau sắc lệnh khẩn cấp. Những nhân vật thay thế họ đã ngay lập tức ủng hộ việc ông Musharraf thắng cử và tiếp tục vai trò lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nữa.

Ông Musharraf đã từ chức chỉ huy quân đội vào tháng trước, đáp ứng một yêu cầu then chốt của phe đối lập cũng như các đồng minh nước ngoài. Ông đã nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới sau khi Tòa án Tối cao bác bỏ các đơn kiện về chiến thắng trong bầu cử của ông.

Chưởng lý Qayyum tiết lộ thêm rằng ông Musharraf đang cân nhắc có nên nhượng bộ một yêu cầu của phe đối lập về việc sa thải các thị trưởng nhằm ngăn chặn họ tác động tới các cuộc bầu cử quốc hội và chính quyền tỉnh cũng như có nên dỡ bỏ lệnh cấm một người nắm giữ ghế thủ tướng hơn hai lần hay không. Điều này có thể xoa dịu quan hệ căng thẳng giữa ông với các cựu thủ tướng và đối thủ lâu năm Benazir Bhutto và Nawaz Sharif.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Raza Rabbani thuộc đảng của bà Bhutto nhận định việc cách chức các thị trưởng không đầy 4 tuần trước các vòng bỏ phiếu chỉ là động thái nhằm trấn an cộng đồng quốc tế. Cả ông Musharra các thế lực ủng hộ phương Tây tuyên bố họ muốn các cuộc bầu cử mang tới một chính phủ ôn hòa, ổn định và đủ mạnh để chống lại làn sóng Hồi giáo cực đoan.

Trong một động thái được coi là nhắm vào tổng thống đương nhiệm, cựu Thủ tướng Sharif hôm 14/12 đã cho công bố tuyên ngôn của ông. Trong đó, việc khôi phục bộ máy tư pháp và chấm dứt sự can thiệp của quân đội vào chính trường được liệt kê là 2 mục tiêu quan trọng nhất.

  • Thanh Bình (theo AP, Reuters, BBC, AFP)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,