Ngay cả trước khi đại biểu của hơn 180 quốc gia tụ hội về Bali tham dự hội nghị về thay đổi khí hậu do LHQ tổ chức, nhiều tranh cãi đã nổ ra xung quanh việc thiết lập một hiệp ước về thay đổi khí hậu mới, thay thế cho Nghị định thư Kyoto, một nghị định cho đến nay mới có 36 nước tham gia.
>> Hội nghị thượng đỉnh khí hậu Bali: Tìm kiếm thỏa thuận mới
|
Trái đất nóng lên, băng cực tan chảy. Ảnh AFP |
Hiển nhiên, tất cả các nước đều đồng ý cần lập tức giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tuy nhiên, vấn đề luôn gây tranh cãi là làm như thế nào? Về mối quan tâm không của riêng ai này, thế giới lại chia ra làm hai phía, một bên là các nước phát triển, và bên kia là các nước đang phát triển. Các nước phát triển cho rằng, các nước đang phát triển - đối tượng cho đến nay không bắt buộc phải cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cần phải hành động ngay.
Và về phần mình, các nước đang phát triển, điển hình là Ấn Độ và Trung Quốc, lại cho rằng, nếu làm vậy sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực bắt kịp với phần còn lại của thế giới, xét về góc độ phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có một thực tế mà ai cũng thừa nhận là, những tác động xấu của sự thay đổi khí hậu đã hiện hữu và lại gây tổn hại nặng nề nhất cho các nước nghèo nhất.
Như vậy, để bảo vệ hành tinh chung rất cần một tiếng nói chung từ tất cả các quốc gia trên thế giới.
Nếu như các lãnh đạo thế giới cũng đoàn kết như cộng đồng khoa học về vấn đề thay đổi khí hậu thì chắc chắn hiện tượng nóng lên của trái đất sẽ chỉ còn là quá khứ.
Không phải ngẫu nhiên, Uỷ ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của LHQ đã giành được giải Nobel. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp không mệt mỏi trong nỗ lực bảo vệ môi trường. Bản thân Tổng Thư ký LHQ đã có nhiều chuyến "vi hành" và luôn coi vấn đề thay đổi khí hậu là trọng tâm trong nhiệm kỳ của mình. Tuy nhiên, LHQ thôi chưa đủ, lãnh đạo các nước trên thế giới cần đồng thuận nhanh chóng hành động cứu lấy hành tinh chung.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon đã có lần phải kêu gọi: "Các nhà khoa học trên thế giới đã rất rõ ràng và chung một tiếng nói... Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách trên thế giới cũng làm tương tự".
Nhưng không may, cộng đồng chính trị toàn cầu có lẽ còn lâu mới có chung một tiếng nói trong bất kỳ vấn đề gì, và sự thay đổi khí hậu không phải là một ngoại lệ.
Hôm nay, đến hẹn lại lên, lãnh đạo các nước, các tổ chức phi chính phủ lại cùng nhau họp bàn về thay đổi khí hậu, lần này ở đảo thiên đường Bali của Indonesia. Hội nghị LHQ về thay đổi khí hậu hầu như họp mỗi năm một lần kể từ năm 1992, thời điểm Công ước khung của LHQ về thay đổi khí hậu (UNFCC) được đưa ra. Tại hội nghị năm 1997 tại Nhật Bản, Nghị định thư Kyoto đã được thông qua nhưng kể từ đó hầu như không có mấy tiến triển. Mỹ và nhiều nước lớn luôn "tảng lờ" những lời kêu gọi tham gia nghị định thư này.
Theo nghị định thư Kyoto, chỉ những nước đang phát triển mới phải bắt buộc cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ thì không bị bắt buộc. Từ lâu, Mỹ luôn thoái thác việc ký nghị định thư với lý do một số nước đang phát triển gây nhiều ô nhiễm cũng không tham gia.
Trong khi đó, Bắc Kinh và New Delhi "đáp trả" bằng lập luận, đại đa số lượng khí thải các-bon từ trước đến nay bắt nguồn từ các nước phát triển (thời gian CO2 lưu lại trong không khí lên tới 200 năm), do đó, các nước giàu cần phải hành động trước.
Dù lập luận thế nào, thực tế là trong vài năm gần đây, hạn hán, lũ lụt, nhiệt độ gia tăng... đã gây thiệt hại cho không chỉ những nước đang phát triển mà còn cả những nước phát triển. Và như vậy, nếu hội nghị Bali lần này không có được bước chạy đà tốt, thế giới sẽ tụt lại trong hành trình bảo vệ hành tinh chung.