Các ngoại trưởng của Liên minh châu Âu hôm 19/11 đã hối thúc người Albania ở Kosovo không nên vội vàng đơn phương tuyên bố độc lập sau các cuộc bầu cử hôm 17/11. Sự tuyên bố độc lập nên ’’được phối hợp với cộng đồng quốc tế’’.
Ông Hashim Thaci |
Serbia đã cảnh báo hành động đó có thể dẫn tới nhiều xung đột hơn tại Balkans. Bộ trưởng Ngoại giao nước này, Vuk Jeremic, nói rằng các nhà đàm phán Albania không có động lực thỏa hiệp nếu cộng đồng quốc tế hứa hẹn công nhận sự độc lập của tỉnh này ngay khi hạn chót đàm phán kết thúc vào ngày 10/12.
Kosovo chính thức là một bộ phận của Serbia song đã nằm dưới sự quản lý của LHQ kể từ năm 1999 khi Nato đánh bật quân đội Serbia khỏi tỉnh này. Phát biểu tại một cuộc họp báo sau các cuộc đàm phán của EU về Kosovo, Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Anh, Jim Murphy, nói rằng độc lập mà không có sự ủng hộ của quốc tế có thể làm Kosovo bị cô lập.
Hiện có trên 20 quốc gia trong EU ủng hộ sự độc lập cho Kosovo song không phải tất cả 27 thành viên đều nhất trí như vậy. Ít nhất có 5 quốc gia châu Âu, gồm Hy Lạp và Romania, lo sợ sự độc lập của Kosovo sẽ khuyến khích xu hướng ly khai tại Balkan và những nơi khác ở châu Âu. Nga mạnh mẽ phản đối việc trao độc lập cho Kosovo trong khi Mỹ lại ủng hộ tích cực.
Trong các cuộc bầu cử quốc hội, đảng Dân chủ Kosovo (PDK) của ông Thaci đã giành được 34% phiếu bầu, với hơn 90% phiếu đã được kiểm. Liên đoàn dân chủ Kosovo (LKD) đứng thứ hai với 22% phiếu. Nếu PDK giành được nhiều ghế nhất trong quốc hội 120 thành viên tại Kosovo, ông Thaci sẽ phải tổ chức các cuộc đàm phán để thành lập một chính phủ liên minh với LKD. Tuy nhiên, mọi đảng của người Albania đều có chung một ưu tiên: tách Kosovo khỏi Serbia và tuyên bố độc lập.
-
Minh Sơn (theo BBC, Reuters)