Trực thăng chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ đã oanh tạc lãnh thổ Iraq hôm 13/11 nhằm đánh bật các phần tử nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) khỏi các căn cứ ở miền Bắc.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ |
Cuộc tấn công này là hành động quân sự lớn đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại PKK kể từ khi Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Mỹ Bush tại Washington hôm 5/11. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ và Iraq trấn áp các phần tử nổi dậy đang hoạt động ở miền Bắc Iraq và đã tập trung hàng chục nghìn quân dọc biên giới với Iraq.
Cuộc tấn công diễn ra khi Ankara cho biết 4 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với các phần tử nổi dậy người Kurd ở tỉnh Sirnak hôm 13/11. Trong tháng qua, quân nổi dậy đã giết ít nhất 40 binh sĩ và dân thường Thổ Nhĩ Kỳ. Hàng chục phần tử nổi dậy cũng đã bị tiêu diệt.
Các quan chức Iraq cho biết trong cuộc tấn công mới nhất nhiều ngôi làng bỏ trống và một đồn cảnh sát đã bị không kích song không có thương vong. Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định các cuộc không kích này và cho biết sẽ có nhiều cuộc tấn công mới trong vài ngày tới nhằm vào các căn cứ của PKK, lực lượng đang đấu tranh đòi tự trị cho người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1984 tới nay.
Một cuộc tấn công toàn diện vào miền Bắc Iraq có thể làm tổn hại những lợi ích chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ - nước đang xin gia nhập EU. Tuy nhiên, sự gia tăng các cuộc tấn công gần đây của PKK từ miền Bắc Iraq vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến công chúng nước này tức giận, gia tăng áp lực buộc Thủ tướng Erdogan hành động.
Mặc dù kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế tấn công, nhà chức trách Mỹ đã nhất trí chia sẻ thông tin tình báo với Thổ Nhĩ Kỳ về vị trí của PKK ở miền Bắc Iraq, giúp quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tấn công hạn chế. Các cuộc không kích được tiến hành với sự trợ giúp của Mỹ có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ giảm bớt sức mạnh của PKK và cho công chúng nước này thấy rằng chính phủ đang có những hành động cụ thể chống lại PKK.
-
Minh Sơn (theo BBC, AP)