Đối với cư dân thành phố Diyarbakir, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng vù vù của máy bay chiến đấu đã trở thành âm thanh quen thuộc trong tháng qua. Mỗi sáng, nhiều máy bay F-16 bay lượn trên đầu họ khi nó đi và về từ khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Iraq.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh Reuters)
Cư dân địa phương cho biết, chưa đầy 15 phút lại có một chuyến bay từ căn cứ quân sự trong thành phố tới biên giới, nơi các cuộc diễn tập không quân lẫn chiến dịch do thám, giao tranh được phát động để đối phó với lực lượng nổi dậy PKK (đảng Công nhân người Kurd) đóng tại bắc Iraq.
Ngoài không lực, Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tới 100.000 quân dọc theo đường biên giới trên núi với Iraq để chuẩn bị cho chiến dịch vượt biên, tấn công 3.000 phiến quân PKK theo kiến nghị được Quốc hội nước này phê chuẩn hồi tháng trước.
Hiện giờ, việc đi quanh vùng biên giới có thể rất rắc rối, nếu không nói là nguy hiểm. Mỗi lúc rạng sáng, các binh sĩ đi dò mìn bắt đầu làm nhiệm vụ dọn đường ở các tỉnh biên giới Sirnak và Hakkari, nơi các hoạt động của PKK thường xuyên diễn ra.
Lang thang tại Sirnak và trên đường tới Hakkari, phóng viên Tân Hoa Xã gặp hàng loạt chốt kiểm soát có lính trấn giữ và hai lần được lịch sự mời dừng bước vì lý do an ninh.
Tại Diyarbaki, nhiều cư dân Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra lo lắng. "Không ai muốn chiến tranh vì điều đó làm tổn hại tới quan hệ anh em giữa người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ. Hy vọng chiến tranh sẽ không nổ ra để chúng tôi có thể sống tại nhà một cách thoải mái khi mùa đông tới", Haci Ozkul nói.
Mehmet, quản lý một trạm xăng dọc đường xa lộ, rất sốt sắng tiếp đãi phóng viên Tân Hoa Xã và đề nghị mọi người đánh giá tình hình khi biết chúng tôi vừa tới từ biên giới phía nam. Ông Mehmet tỏ ra rất lo lắng về tình hình hiện nay lẫn viễn cảnh phân cực giữa người Thổ và người Kurd có thể phát sinh do những hành động của PKK, đặc biệt là vụ tấn công ngày 21/10 của PKK nhằm vào các binh sĩ tại tỉnh Hakkari, làm 12 lính thiệt mạng.
Theo Mehmet, kể từ khi vụ tấn công xảy ra, nhiều xe buýt thuộc chuỗi công ty Batmanlilar của ông tại vùng tây bắc đất nước đã bị phá hỏng vì biển số của nó cho thấy xuất xứ tới từ vùng đông nam, nơi có nhiều người Kurd sinh sống và hoạt động của PKK diễn ra mạnh mẽ.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ tiếp tục quyết tâm thực thi các sáng kiến chính trị, ngoại giao và quân sự chống PKK bất chấp cuộc gặp quan trọng mới đây giữa Thủ tướng nước này Tayyip Erdogan với Tổng thống Mỹ Bush hồi đầu tuần. Đó là cuộc gặp mà nhiều người cho rằng có thể ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào bắc Iraq.
Một ngày sau cuộc họp bàn, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, biện pháp quân sự chống PKK chưa được loại bỏ.
Theo nhận định của các chuyên gia, dù các hành động xuyên biên giới quy mô lớn có thể không xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang cân nhắc tiến hành các cuộc phản công có giới hạn liên quan tới không kích nhằm vào các vị trí của phiến quân, bố ráp bằng trực thăng và của lực lượng đặc biệt.
Nhiều cư dân địa phương là người Kurd, từng cảm thông với PKK, đã bắt đầu lo nghĩ cuộc sống sẽ ra sao nếu chiến tranh xảy ra, hoặc ít nhất là bị trừng phạt về kinh tế.
Thổ Nhĩ Kỳ đang cân nhắc trừng phạt kinh tế chống khu vực bắc Iraq, có thể bao gồm đóng cửa biên giới. Việc này có thể làm huỷ hoại cuộc sống của nhiều cư dân địa phương là người Kurd, những người đánh cuộc sự sống trên tuyến đường băng qua cửa khẩu Habur ở Silopi để vào Iraq.
-
Hoài Linh (Theo Xinhua)