Thổ Nhĩ Kỳ hôm 31/10 cho biết đã tiến hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm làm suy yếu các phần tử nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) và các nhóm ủng hộ PKK. Động thái này có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế của khu vực người Kurd bán tự trị tại miền Bắc Iraq.
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa khẩu Habur |
Một câu hỏi quan trọng là liệu Thổ Nhĩ Kỳ có quyết định rằng chính phủ người Kurd bán tự trị ở Iraq, hiện vẫn chưa có động thái gì chống lại PKK, sẽ bị trừng phạt về kinh tế hay không. Hành động đó có thể ảnh hưởng tới sự phát triển ở vùng tương đối yên bình này.
’’Các biện pháp quân sự, chính trị, ngoại giao và kinh tế đang được tiến hành đồng thời. Mục tiêu của các biện pháp đó là tổ chức khủng bố PKK và các nhóm đang ủng hộ, trợ giúp và tiếp tay cho PKK’’, Phó Thủ tướng Cemil Cicek cho biết sau một cuộc họp Nội các.
Ông Cicek không công bố chi tiết các biện pháp trừng phạt kinh tế - một mặt trận mới của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống PKK kể từ khi nhóm nổi dậy này leo thang các cuộc tấn công trong những tuần gần đây. Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành các chiến dịch quân sự ác liệt trong đường biên giới của nước này nhằm vào PKK và chuẩn bị mở một chiến dịch xuyên biên giới tấn công vào miền Bắc Iraq. Trong khi đó, các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đang hối thúc Iraq và Mỹ trấn áp PKK.
Người Kurd ở Iraq phụ thuộc nhiều vào thực phẩm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đầu tư của nước này vào các công trình xây dựng. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn cung cấp 10% nhu cầu điện năng cho vùng này. Căng thẳng biên giới đã khiến nhiều chuyến bay thương mại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực người Kurd bán tự trị ở Iraq bị hủy. Một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm bớt hoặc hoãn các dự án đầu tư tại đó.
Ông Cicek nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thận trọng để các biện pháp trừng phạt kinh tế không ảnh hưởng tới những người vô tội. Các biện pháp này được tiến hành dựa trên khuyến nghị của Hội đồng an ninh quốc gia.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã nói rằng Massoud Barzani, lãnh đạo của vùng người Kurd bán tự trị ở Iraq, đang trợ giúp cho PKK. Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại người Kurd ở Iraq có thể thành lập một nhà nước Kurd độc lập, khuấy động ý định li khai của người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Có khoảng 1.000 xe tải mỗi ngày đi qua cửa khẩu Habur - tuyến vận tải duy nhất giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những ngày gần đây, trước nguy cơ cấm vận kinh tế, mỗi ngày có thêm 50-100 xe tải qua lại mỗi ngày.
-
Minh Sơn (theo AP)