Tại hội nghị thượng đỉnh Nga - EU ở Bồ Đào Nha, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã so sánh kế hoạch xây dựng hệ thống lá chắn tên lửa tại châu Âu của Mỹ với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba những năm 1960.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Cuộc khủng hoảng này đã chứng kiến Mỹ và Xô Viết tiến tới bờ vực của chiến tranh hạt nhân.
Phát biểu trước các lãnh đạo châu Âu, ông Putin nói rằng tình huống hiện tại "tương đồng về phương diện kỹ thuật". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng sẽ không có chuyện tương tự xảy ra bởi vì Nga và Mỹ giờ đây "không phải là kẻ thù... mà là đối tác của nhau" và Tổng thống Bush là "người bạn cá nhân".
Cuộc khủng hoảng năm 1962 nổ ra sau khi máy bay do thám của Mỹ phát hiện các căn cứ tên lửa của Xô Viết tại Cuba, nằm trong tầm tấn công vào đất Mỹ. Quyết định triển khai những vũ khí này ở Cuba của Moscow tại thời điểm đó được xem như "câu trả lời" cho việc Mỹ đưa tên lửa vào châu Âu.
Căng thẳng chỉ được tháo gỡ khi lãnh đạo Xô Viết Nikita Khrushchev đồng ý dỡ bỏ các căn cứ trên để đổi lấy đảm bảo rằng Washington sẽ không tấn công Cuba.
"Tình hình tương tự"
Tổng thống Mỹ George W. Bush nói rằng có một "nhu cầu cấp thiết và thực sự" về việc lắp đặt hệ thống tên lửa ở châu Âu để phòng thủ trước bất kỳ một cuộc tấn công nào từ những nước như Iran. Trong tuần, Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates ngụ ý rằng tiến độ lắp đặt có thể chậm lại trong khi giải quyết các lo ngại của Nga.
Nga và Mỹ đều nôn nóng phát triển các hệ thống tên lửa mới. |
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Nga - EU, Tổng thống Putin nói: "Tôi muốn nhắc lại về tình hình hồi giữa những năm 1960. Các hành động tương tự của Liên Xô lúc đó khi triển khai tên lửa tại Cuba đã gây ra cuộc khủng hoảng ở vùng Caribbe. Đối với chúng tôi, nói về mặt kỹ thuật, tình hình hiện tại cũng không khác lắm".
Tuy nhiên, Putin nói rằng những căng thẳng hiện nay chưa lên tới mức như hồi khủng hoảng Cuba. "Tôi hoàn toàn đồng ý với Tổng thống Bush khi ông nói rằng Nga và Mỹ không phải là kẻ thù của nhau nữa... Chúng tôi là đối tác".
Ông Putin nhấn mạnh, Nga đã đưa ra những đề xuất trong lĩnh vực an ninh nhưng "không may là chúng tôi chưa nhận được câu trả lời nào".
Phản ứng trước những lời lẽ trên của Tổng thống Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Sean McCormack nhận xét rằng có "nhiều khác biệt lịch sử rõ ràng" với cuộc khủng hoảng Cuba.
Kiềm chế căng thẳng
Các lãnh đạo EU tại hội nghị ở Bồ Đào Nha đang hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình hướng tới một thoả thuận lâu dài với Nga, bao gồm các vấn đề nhạy cảm như cung cấp năng lượng.
EU hy vọng sẽ làm dịu mối quan hệ căng thẳng với Nga. |
Một phần ba nhu cầu năng lượng của EU hiện phụ thuộc vào Nga và liên minh này đã phải chứng kiến các nguồn cung cấp khi đốt bị ngưng trệ trong hai mùa đông liên tiếp.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jose Manuel Barroso khẳng định hai bên đã đạt được một thoả thuận chia sẻ thông tin về cung cấp năng lượng để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng bất ngờ.
"Hôm nay chúng tôi đã nhất trí về cơ chế cảnh báo sớm để giải quyết các vấn đề về cung cấp năng lượng trước khi có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng".
Hai bên cũng đạt được một thoả thuận về hợp tác cùng nhau để ngăn chặn hoạt động buôn lậu và tiêu thụ dược phẩm cấm, đồng thời tăng quota xuất khẩu thép Nga vào EU.
Những bất đồng giữa EU và Nga về vấn đề nhân quyền và chính sách ngoại giao đã phủ bóng phiên họp đầu tiên với lời cảnh báo của đặc sứ Nga tại EU rằng Moscow "không muốn lắng nghe bất cứ bài thuyết trình nào".
Kremlin cũng phản đối lập trường mà một số thành viên EU theo đuổi về vấn đề Kosovo và Iran. Nga không công nhận các biện pháp hướng tới việc công nhận độc lập cho Kosovo, một tỉnh miền nam Serbia; đồng thời chỉ trích các động thái mới đây nhằm áp đặt cấm vận lên Iran.
-
Thanh Hảo (Theo BBC, AFP, AP)