221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
994900
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc tấn công vào Iraq
1
Article
null
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cuộc tấn công vào Iraq
,

Hôm 17/10, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một yêu cầu của chính phủ cho phép quân đội vượt biên giới, tiến vào miền Bắc Iraq để trấn áp các phần tử nổi dậy người Kurd tại đó.

Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra ở tỉnh Sirnak, Đông Nam nước này
Binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tuần tra ở tỉnh Sirnak, Đông Nam nước này
Thủ tướng Tayyip Erdogan đã nhấn mạnh một cuộc tấn công nhằm vào các phần tử nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) sẽ không diễn ra ngay lập tức. Tuy nhiên, việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua đề xuất của chính phủ đã cung cấp cơ sở pháp lý để quân đội nước này tiến hành chiến dịch xuyên biên giới khi thấy phù hợp, trong thời hạn 1 năm.

Chính phủ tự trị của người Kurd ở miền Bắc Iraq đã cảnh báo các nghị sĩ Thổ Nhĩ Kỳ rằng mọi hành động can thiệp đều là bất hợp pháp. Họ đã phủ nhận những lời cáo buộc rằng họ đang giúp đỡ đảng Công nhân người Kurd. Trong khi đó, các phần tử nổi dậy thuộc PKK nói rằng họ sẽ dùng vũ lực để đáp lại vũ lực.

Vài giờ trước khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu, các lãnh đạo Iraq và Mỹ đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế, lo sợ mọi hành động quân sự có thể làm mất ổn định tình hình ở miền Bắc Iraq. Thủ tướng Iraq Maliki đã yêu cầu cho Iraq thêm thời gian, nói rằng Iraq quyết tấm chấm dứt các hoạt động của PKK trên lãnh thổ nước này và đã ra các chỉ thị khắt khe đối với chính quyền tự trị của người Kurd về vấn đề này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Erdogan đã đáp lại rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thể lãng phí thời gian hơn nữa.

Tổng thống Syria, Bashar Assad, người đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ có quyền hợp pháp để tổ chức một cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào những kẻ đã tấn công binh sĩ nước này và Syria ủng hộ cuộc tấn công đó.

Các phần tử nổi dậy thuộc PKK đã đấu tranh từ năm 1984 để đòi quyền tự trị ở vùng Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có nhiều người Kurd sinh sống. Cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.

Thổ Nhĩ Kỳ đã phàn nàn về việc thiếu sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc chiến chống PKK. Quan hệ giữa hai nước gần đây ngày càng căng thẳng do một vấn đề nhạy cảm khác: việc Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ quyết định đưa nghị quyết coi việc giết 1,5 triệu người Armenia trong những năm cuối cùng của Đế chế Ottoman là diệt chủng ra bỏ phiếu tại Hạ viện.

  • Minh Sơn (theo Reuters, AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,