Cuộc họp do Tổng thống Mỹ George W. Bush triệu tập và dự kiến diễn ra trong 2 ngày. Theo giới truyền thông, ngoài Mỹ, các nước Anh, Australia, Ấn Độ, Brazil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Italia, Mexico, Nam Phi, Nga, Nhật, Pháp và Trung Quốc đều cử đại biểu tham dự.
Tổng thống Mỹ George W. Bush sẽ có bài phát biểu trước cuộc họp về sự thay đổi khí hậu vào ngày 28/7
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice sẽ chủ trì các cuộc thảo luận. Tổng thống Bush sẽ có bài phát biểu trước đại diện các nước vào ngày mai (28/9).
Theo một tuyên bố mới đây của Nhà Trắng, tại cuộc họp, các đại biểu sẽ phác thảo những biện pháp cấp quốc gia cũng như tìm kiếm một thỏa thuận quốc tế về các mục tiêu dài hạn nhằm cải thiện tình hình an ninh năng lượng và hạn chế khí thải độc hại, gây ô nhiễm.
Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng cuộc họp sẽ chỉ kêu gọi sự tự nguyện hơn là đem tới những quyết định mang tính bắt buộc về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo nhiều nhà khoa học, các nước vẫn chưa có hành động thiết thực để ngăn chặn những tác động có hại tới khí hậu Trái đất.
16 quốc gia nêu trên được cho là đã thải ra tổng cộng hơn 90% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Mỹ là nước giữ vị trí số 1 về khí thải ô nhiễm, đặc biệt là khí carbon dioxide từ các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than đá và phương tiện giao thông chạy bằng xăng, dầu. Tuy nhiên, một báo cáo trong năm nay khẳng định Trung Quốc hiện đang "soán ngôi" của Mỹ trong lĩnh vực này.
Hôm 24/9, hơn 80 nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ của các nước trên thế giới đã tham dự hội nghị về vấn đề nóng lên toàn cầu của Liên hợp quốc. Trong phiên bế mạc hội nghị, Tổng thư kí LHQ Ban Ki-moon cho biết ông đã chứng kiến "một cam kết chính trị quan trọng" nhằm tìm ra giải pháp toàn cầu cho vấn đề tại các cuộc thảo luận vào tháng 12 tới của tổ chức ở Bali, Indonesia.
-
Thanh Bình (Theo BBC, Reuters, AP)