221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
965900
Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực
1
Article
null
Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực
,

Các nhà thám hiểm Nga đã cắm quốc kỳ dưới đáy biển Bắc Cực, ở độ sâu 4.200m, để khẳng định chủ quyền của Nga đối với vùng biển này. Hai tàu ngầm mini đã mang các nhà thám hiểm cùng lá cờ bằng titanium chống gỉ xuống đáy biển trong chuyến thám hiểm đầu tiên thuộc loại này.

Tàu ngầm Mir-I của Nga dưới đáy biển Bắc Cực
Tàu ngầm Mir-I của Nga dưới đáy biển Bắc Cực
Canada, quốc gia cũng khẳng định chủ quyền ở Bắc Cực, đã chỉ trích hành động trên. ’’Đây không phải là thế kỷ thứ 15. Mọi người không thể đi vòng quanh thế giới, cắm những lá cờ và nói rằng chúng tôi khẳng định chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này’’, Ngoại trưởng Canada, Peter MacKay nói.

Băng đang tan chảy ở Bắc Cực đã dẫn tới việc một số quốc gia khẳng định quyền tiếp cận đối với tài nguyên tại đó. Lời khẳng định của Nga đối với một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Bắc Cực, được cho là chứa dầu khí và khoáng sản, đã bị một số cường quốc khác trong đó có Mỹ phản đối.

Năm 2001, trước một ủy ban LHQ, Nga đã cho rằng vùng biển ngoài khơi bờ biển phía bắc của nước này là phần mở rộng của lãnh hải Nga. Tổng thống Putin đã nói rằng Nga cần phải gấp rút bảo vệ ’’các quyền lợi chiến lược, kinh tế, khoa học và quốc phòng’’ của nước này ở Bắc Cực.

Lập luận này đã bị bác bỏ và Nga được yêu cầu cung cấp nhiều bằng chứng hơn.

Luật biển hiện nay trao cho các quốc gia một vùng kinh tế rộng 200 hải lý tính từ đường biên giới trên bộ của họ. Vùng này có thể được mở rộng tới nơi mà một nước có thể chứng minh cấu trúc của thềm lục địa tương tự cấu trúc địa chất trong lãnh thổ của nước đó.

Phần gạch chéo là vùng Nga khẳng định chủ quyền
Phần gạch chéo là vùng Nga khẳng định chủ quyền
Một số nước có lãnh thổ giáp với Bắc Cực, gồm Nga, Mỹ, Canada và Đan Mạch, đã đưa ra những lời khẳng định về chủ quyền đối với vùng này. Bắc Cực hiện không được coi là một phần lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào và do đó nằm dưới sự quản lý của Ủy ban đáy biển quốc tế.

Đoàn thám hiểm Nga đã khởi hành từ cảng Murmansk tuần trước, tìm kiếm bằng chứng địa chất để ủng hộ lời khẳng định của Nga về chủ quyền đối với vùng đáy biển Bắc Cực giàu tài nguyên. Đoàn gồm một tàu phá băng sử dụng nhiên liệu hạt nhân và một tàu nghiên cứu. Họ đã đưa hai tàu ngầm mini, Mir-I và Mir-II xuống đáy biển, thu thập mẫu động thực vật ở đó.

Chuyến trở về từ đáy biển của hai tàu ngầm này được coi là phần nguy hiểm nhất trong chuyến thám hiểm. Chúng có nguy cơ bị kẹt dưới lớp băng Bắc Cực nếu không thể định vị chính xác lỗ hổng trong băng mà từ đó chúng đã khởi hành. ’’Đối với tôi, việc này giống như cắm cờ trên mặt trăng vậy, đó thực sự là một thành tựu lớn về khoa học’’,  Sergei Balyasnikov, phát ngôn viên Viện Bắc Cực và Nam Cực Nga, nói.

  • Minh Sơn (Theo BBC, Reuters)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,