Chính phủ mới của Thủ tướng Anh Gordon Brown đã ra lệnh trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga hôm 16/7 sau khi Kremlin từ chối dẫn độ nghi phạm chủ chốt trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko.
Đây là lần đầu tiên Anh trục xuất các nhà ngoại giao Nga trong hơn 10 năm qua.
Lugovoi, người mà Anh muốn Nga dẫn độ sang London
Phát biểu tại Berlin, ông Brown nói rằng: ’’Tôi không xin lỗi về lệnh trục xuất này song tôi muốn có một giải pháp cho vấn đề này càng sớm càng tốt’’. Theo Ngoại trưởng Anh David Miliband, ngoài việc trục xuất, Anh cũng sẽ hạn chế cấp visa cho các quan chức Nga và đang xem xét lại việc hợp tác trong một số lĩnh vực.
Nga đã đe dọa trả đũa hành động của Anh. ’’Hành động của London là trái đạo đức. London nên hiểu rõ rằng các hành động khiêu khích của nhà chức trách Anh sẽ được đáp lại và gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất cho các quan hệ song phương’’, phát ngôn viên Mikhail Kamynin của Bộ Ngoại giao Nga nói.
Cựu điệp viên Nga Alexander Litvinenko chết ngày 23/11 tại một bệnh viện ở London sau khi uống trà bị bỏ phóng xạ polonium-210. Các công tố viên của Anh đã nhận dạng nghi phạm chính là thương gia Nga Andrei Lugovoi. Lugovoi cũng là một cựu điệp viên KGB. Litvinenko nói rằng ông ta ốm lần đầu tiên sau khi gặp Lugovoi và đối tác làm ăn Dmitry Kovtun tại một khách sạn ở London.
Tuy nhiên, Nga đã từ chối dẫn độ Lugovoi cách đây 1 tuần, nói rằng Hiến pháp Nga không cho phép làm việc đó. Các công tố Anh sau đó đã bác bỏ đề xuất của Nga xét xử Lugovoi tại Moscow. Theo Ngoại trưởng Anh Miliband, Lugovoi có thể bị dẫn độ theo các thỏa thuận quốc tế nếu ông ta ra ngoài lãnh thổ Nga.
Tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Sean McCormack nói rằng chính quyền Bush đã kêu gọi Nga và Anh hợp tác trong vấn đề này.
Các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất vẫn chưa rời Anh và Bộ Ngoại giao Anh đã từ chối cung cấp tên tuổi của họ.
Lệnh trục xuất cho thấy sự trượt dốc trong quan hệ Nga-Anh kể từ khi ông Putin lên nắm quyền năm 2000. Nga tức giận trước việc Anh chỉ trích cuộc chiến tại Chechnya cũng như việc Anh từ chối dẫn độ phần tử li khai Akhmed Zakayev và thương gia sống lưu vong Boris Berezovsky. Năm 2006, Nga đã cáo buộc bốn nhà ngoại giao Anh làm gián điệp và tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ chỉ trích chính phủ của ông Putin.
Nga có thể trả đũa bằng cách trục xuất 3 nhà ngoại giao Anh. Lần cuối cùng vào tháng 3/1996, Moscow đã trục xuất 9 nhà ngoại giao Anh, cho rằng họ là một phần của một đường dây gián điệp. Anh trả đũa bằng việc trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga.
-
Minh Sơn (Theo AP, BBC)