Quyết định của Tổng thống Putin tạm thời rút Nga khỏi Hiệp ước kiểm soát vũ khí CFE là một tín hiệu chính trị mạnh. Đó còn là một tín hiệu nữa về mối quan hệ đang xấu đi giữa Moscow và phương Tây.
Quyết định này cho thấy mối quan hệ giữa họ đã không được cải thiện sau cuộc gặp không chính thức hồi đầu tháng giữa ông Putin và ông Bush tại Maine. Và với những vấn đề quan trọng như chương trình hạt nhân của Iran, tương lai chính trị của Kosovo đang được bàn thảo tại LHQ, quyết định này làm dấy lên một loạt câu hỏi mới về việc Nga sẽ đi xa tới đâu để phong tỏa những sáng kiến của Washington và các đồng minh then chốt của Mỹ.
Tổng thống Nga Putin
Nga đã đe dọa rút khỏi CFE trong nhiều tháng qua. CFE là một trong những hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng nhất thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hiệp ước này hạn chế số vũ khí tấn công - xe tăng, máy bay, pháo, v.v...- mà các bên tham gia Hiệp ước Warsaw và các thành viên NATO có thể triển khai tại châu Âu.
Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, CFE được sửa đổi vào năm 1999, một phần nhằm giải tỏa những lo ngại của Nga. Tuy vậy, hiệp ước sửa đổi này vẫn chưa được các thành viên NATO phê chuẩn bởi trước tiên họ muốn Nga rút mọi lực lượng khỏi Grudia và Moldova. Giờ thì sự bình tĩnh của Nga đã hết.
Sắc lệnh của Tổng thống Putin ngừng tham gia CFE không có nghĩa Nga hoàn toàn rút khỏi hiệp ước này. Đây là một biện pháp đơn phương của Nga và tác động của quyết định đó là hạn chế: các cuộc thanh tra thường xuyên, trao đổi dữ liệu và một số hoạt động khác sẽ tạm ngừng.
Theo các chuyên gia, CFE ngày nay không còn liên quan, xét về nhiều khía cạnh. Chiến tranh lạnh đã chấm dứt và dù căng thẳng giữa Nga và phương Tây tới mức nào đi nữa thì cũng không ai mường tượng ra khả năng đối đầu vũ trang trên lục địa châu Âu sẽ quay trở lại. Tuy vậy, quyết định của ông Putin lại có ảnh hưởng.
Quyết định này làm dấy lên những câu hỏi về một hiệp ước kiểm soát vũ khí nữa, vào thời điểm các chuyên gia giải trừ quân bị lo ngại toàn bộ hệ thống các hiệp ước kiểm soát vũ khí được thiết lập trong suốt Chiến tranh lạnh ngày càng bị kéo căng. Mỹ đã rút khỏi một hiệp ước then chốt khác - Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo ABM vào tháng 12/2001.
Ở một chừng mực nào đó, ông Putin đang chứng tỏ rằng với những thứ Mỹ có thể làm vì quyền lợi của họ thì Nga cũng có thể đe dọa vì quyền lợi quốc gia.
Quyết định của ông Putin sẽ được coi là một tín hiệu nữa về chính sách ngoại giao quyết đoán hơn của Nga - một chính sách được nâng đỡ bởi nguồn thu đang tăng từ dầu và khí tự nhiên. Tuy vậy, giới phân tích nghi ngờ liệu đó có thực sự là một tín hiệu mạnh hay không. Cho dù nguồn thu nhập từ dầu khí tăng song Nga vẫn là cái bóng của của Liên bang Xô Viết trong cuộc đua của các siêu cường. Các chuyên gia Nga cho rằng ông Putin nhận ra điều đó song trong những lĩnh vực then chốt, chí ít là về phòng vệ tên lửa, ông muốn được Washington đối xử như một bên ngang bằng.
Việc Nga phản đối kế hoạch triển khai tên lửa phòng thủ của Mỹ tại Ba Lan và Séc là trung tâm của những bất đồng hiện nay giữa hai bên. Việc Nga có thể phủ quyết kế hoạch của LHQ về tương lai chính trị của Kosovo làm người ta lo ngại căng thẳng sẽ đi xa hơn cuộc khẩu chiến hiện nay. Đó là chưa kể tới sự bất hòa giữa Nga và Anh về vụ giết hại một cựu điệp viên Nga tại London cũng như nguy cơ quan hệ giữa Nga và phương Tây có thể đóng băng.
Rõ ràng là vớ vẩn khi nói về một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai. Tuy nhiên, các chuyên gia đối ngoại của Nga đã thể hiện sự lo ngại rằng quan hệ giữa hai bên có thể xuống dốc hơn nữa.
-
Minh Sơn (Theo BBC)