221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
951986
Hội đàm Nga-Mỹ: thực đơn khó tiêu
1
Article
null
Hội đàm Nga-Mỹ: thực đơn khó tiêu
,

Hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga được gọi là ’’hội nghị thượng đỉnh tôm hùm’’. Tôm hùm là món hải sản được lựa chọn tại Kennebunkpor, thị trấn nhỏ trên bờ biển của bang Maine, cũng là nơi tọa lạc khu nghỉ hè của cựu Tổng thống Bush và giờ là nơi hội đàm giữa con trai của ông và Tổng thống Nga Putin.

 

Tổng thống Bush và Tổng thống Putin
Tổng thống Bush và Tổng thống Putin

Tuy nhiên, các vấn đề mà hai nhà lãnh đạo này thảo luận còn ’’khó tiêu’’ hơn: kế hoạch tên lửa phòng thủ của Mỹ ở Đông Âu, địa vị tỉnh Kosovo, cải cách dân chủ và cách đối phó với Iran. Chỉ vài vấn đề đó thôi đã gây đau đầu cho cả hai phía bấy lâu nay.

Tại sao lại ở Kennebunkport? Tổng thống Putin đang có chuyến công du Guatemala và Nga gợi ý rằng thời điểm này có lẽ là thích hợp để hai nhà lãnh đạo hội đàm. Tổng thống Bush đã đáp lại đề xuất đó một cách tích cực và nghĩ rằng dinh thự mùa hè của cha ông là nơi hợp cho các cuộc thảo luận không chính thức, cách xa Nhà Trắng và sự chú ý của báo giới.

Các quan chức Mỹ muốn tránh một đợt chỉ trích mới từ ông Putin và trông đợi hai nhà lãnh đạo tìm ra tiếng nói chung cho những bất đồng của họ. Đối với ông Bush, cuộc gặp này là một cơ hội nữa để ông tìm hiểu ’’tâm hồn’’ của người đồng cấp Putin.

Tại cuộc gặp đầu tiên với ông Putin hồi tháng 6/2001, ông Bush đã nói một câu nổi tiếng: ’’Tôi đã nhìn vào mắt nhà lãnh đạo này. Tôi thấy ông ấy là người thẳng thắn và đáng tin cậy...Tôi có thể cảm nhận được tâm hồn ông ấy...’’. Liệu ông Bush sẽ nhìn thấy mặt tối hơn của cựu sĩ quan KGB này trong hai ngày tới và hai bên sẽ cải thiện được mối quan hệ đang ngày càng xuống dốc, đặc biệt là do kế hoạch tên lửa phòng thủ của Mỹ ở Đông Âu?

Những tồn tại

Trên thực tế, Nga-Mỹ vẫn chưa giải quyết được những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ giữa hai nước trong sáu năm qua. Theo giới quan sát, quan hệ hai nước gần đây đã rơi xuống mức thấp nhất và họ hoài nghi ba bữa tiệc, với thực đơn gần như bữa nào cũng có tôm hùm, với một cuộc hội đàm, có thể bẩy được quan hệ giữa hai nước.

Theo Sarah Mendelson, chuyên gia chính sách Nga tại Trung tâm các nghiên cứu chiến lược và quốc tế, trong nhiều thập kỷ, quan hệ giữa Washington và Moscow đã được quyết định bởi cá tính giữa những người đứng đầu hai nước. Hãy nghĩ về Reagan và Gorbachev, hay Clinton và Yeltsin.

Quan hệ giữa Bush và Putin bắt đầu bằng một tiếng vang lớn hồi tháng 6/2001 với việc ông Bush ca ngợi ông Putin: ’’Tôi có thể cảm nhận tâm hồn ông ấy: một người hết mình cống hiến cho tổ quốc ông và vì lợi ích tối thượng của đất nước ông’’. Vào thời điểm đó, các nhà chỉ trích thậm chí còn nói rằng lời ca ngợi vô điều kiện này của ông Bush là ngờ nghệch.

Các cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 diễn ra chỉ ba tháng sau cuộc gặp giữa hai lãnh đạo này tại Slovenia. Ông Putin đã đề nghị ủng hộ cuộc chiến chống khủng bố táo bạo và hành động đó khiến ông được Tổng thống Bush quý mến. Tháng 5/2002, tại một hội nghị thượng đỉnh ở Moscow, hai lãnh đạo đã ký hiệp ước giảm vũ khí hạt nhân và nhất trí về một chương trình nghị sự hợp tác rộng rãi. Tuy nhiên, các vấn đề vẫn còn đó.

Kế hoạch mở rộng hệ thống tên lửa phòng thủ của ông Bush, trong đó có việc rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo 1972, đã làm Nga tức giận. Chiến dịch mà Kremlin tiến hành chống công ty dầu khí Yukos đã làm Washington lo ngại. Tranh cãi gay gắt dẫn tới cuộc xâm lược Iraq hồi tháng 3/2003 đã làm dịu bớt căng thẳng.

Hai bên cũng chỉ trích nhau về việc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống 2004 ở Ukraine. Nói chung, Kremlin tức giận trước cái mà họ coi là sự can thiệp của Mỹ vào tầm ảnh hưởng của Nga, thông qua việc mở rộng NATO sang phía đông và những mối quan hệ với các nước cộng hòa Xô Viết cũ. Năm 2005, tại một hội nghị ở  Bratislava, Slovakia, lo ngại của Mỹ về cái mà họ gọi là sự thụt lùi dân chủ ở Nga đã được thể hiện công khai.

Trong những tháng gần đây, một loạt diễn biến đã làm cho quan hệ Nga-Mỹ trượt sâu hơn, mặc dù hai nước có sự hợp tác mạnh hơn trong việc chống lại chương trình hạt nhân của Iran cũng như hoạt động phổ biến vũ khí nói chung.

Những lời chỉ trích gần đây của Tổng thống Putin đã làm Washington lo ngại. Đầu tiên, đó là sự so sánh gián tiếp chính sách ngoại giao của Mỹ với Đức Quốc xã, sự chỉ trích cuộc chiến ở Iraq và sau đó là đe dọa chĩa tên lửa Nga vào châu Âu nếu Mỹ thiết lập các căn cứ tên lửa phòng thủ ở Cộng hòa Séc và Ba Lan. Tổng thống Bush đáp lại bằng cách chỉ trích Moscow thụt lùi về dân chủ. Những lời qua tiếng lại này làm người ta nhớ tới ngôn từ thời Chiến tranh lạnh.

Cơ hội hợp tác

Tại Hội nghị thượng định G8 tại Đức, hai nhà lãnh đạo đã nỗ lực lùi xa khỏi bờ vực của ’’cuộc chiến tranh lạnh thứ hai’’. Tổng thống Putin dường như đã làm Tổng thống Bush ngạc nhiên khi đề xuất sử dụng một trạm radar cũ của Nga ở Azerbaijan cho lá chắn tên lửa của Mỹ. Rõ ràng Nga coi đó là địa điểm thay thế cho các địa điểm ở Đông Âu.

Tổng thống Bush đã coi cuộc gặp này là một cơ hội để hợp tác. Tại Kennebunkport, ông sẽ nhắc lại đề xuất của ông: để các chuyên gia Nga và Mỹ ngồi lại với nhau nhằm tìm ra một giải pháp. Tuy nhiên, đừng mong đợi bất kỳ đột phá nào về kế hoạch tên lửa phòng thủ trong hai ngày hội đàm, bắt đầu từ 1/7, hay những vấn đề khác. Các quan chức Mỹ đã nhấn mạnh rằng chắc sẽ không có bất kỳ một tuyên bố lớn nào.

’’Cả hai đều đang chơi vì lịch sử và di sản. Tôi thực sự nghĩ rằng không ai trong số họ muốn một mối quan hệ Nga - Mỹ tồi tệ là một phần di sản của họ’’, Andrew Kuchins, chuyên gia Nga tại Trung tâm các nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nhận định. Tuy nhiên, cả hai bên đều chưa tỏ tín hiệu nhượng bộ về những vấn đề gây chia rẽ nhất, chẳng hạn như kế hoạch tên lửa hoặc Kosovo.

  • Minh Sơn (Tổng hợp)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,