221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
942572
TT Nga đề xuất xây trạm radar ở Azerbaijan
1
Article
null
TT Nga đề xuất xây trạm radar ở Azerbaijan
,

Tổng thống Nga Putin, người đang cực lực phản đối lá chắn tên lửa Mỹ tại châu Âu, hôm 7/6 đã khiến người đồng cấp Bush ngạc nhiên khi đưa ra đề xuất xây dựng một trạm radar ở Azerbaijan thay vì thiết lập hệ thống phòng thủ mới ở Ba Lan và CH Czech. Ông Bush nói đây là một đề xuất thú vị và cam kết sẽ xem xét nó.

Tổng thống Nga nói ông sẽ từ bỏ đe dọa tái triển khai các tên lửa hướng vào các mục tiêu châu Âu nếu người đồng cấp Mỹ chấp nhận đề xuất phòng thủ tên lửa của Điện Kremlin. "Đây là một vấn đề quan trọng và chúng ta cần phải đảm bảo rằng tất cả chúng ta đề hiểu vị trí của mỗi bên một cách rất rõ ràng", ông Bush tuyên bố sau cuộc hội đàm kéo dài một giờ đồng hồ với ông Putin. Thông qua người phiên dịch, ông Putin cho biết ông "hài lòng trước tinh thần cởi mở" của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Mỹ Bush
Tổng thống Nga Putin (phải) và người đồng cấp Mỹ Bush.

Trong khi mối quan hệ song phương đang rạn nứt nghiêm trọng nhất trong vài thập niên qua, hai vị nguyên thủ đang tìm kiếm một sự khởi đầu mới bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 của các nước công nghiệp phát triển ở Đức. Căng thẳng không ngừng tăng lên trong vài ngày lại đây khi ông Putin cáo buộc ông Bush đang phát động một cuộc chạy đua vũ trang mới, còn Tổng thống Mỹ thì lớn tiếng cho rằng người đồng cấp Nga đang đi ngược lại sự dân chủ.

Mặc dù cả hai đã cố gắng tạo ra một bối cảnh thân mật nhưng họ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về các bất đồng. Theo ông Bush, ông Putin "lo ngại rằng hệ thống phòng thủ tên lửa không phải là một hành động mà một người bạn có thể làm". Ông Putin ngay lập tức sửa lại phát biểu của ông Bush rằng: "Tôi đã không nói những người bạn không thể cư xử theo cách ấy".

Theo Steve Hadley, cố vấn an ninh quốc gia của ông Bush, ông Putin muốn sử dụng một trạm radar đã có từ lâu ở Gabala, miền bắc Azerbaijan, quốc gia Trung Á giáp biển Caspian. Lãnh đạo Nga cũng cho rằng thay vì đặt 10 tên lửa đánh chặn tại Ba Lan, Mỹ nên sử dụng các tuần dương hạm Aegis phóng tên lửa đánh chặn. Ông Putin cũng tiết lộ đã thông báo đề xuất của mình với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev và ông Aliev đã tán thành nó. Hãng thông tấn Nga RIA-Novosti đưa tin Azerbaijan đã trao đổi các quan điểm về lá chắn tên lửa trong các cuộc hội đàm với Nga và Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thảo luận vấn đề này với người đồng nhiệm Azerbaijan Mammadyaro trong một chuyến thăm chính thức Baku hồi tuần trước.

"Như vậy, quan điểm của ông Putin là chấp nhận hợp tác về radar. Quyết định về việc triển khai tên lửa đánh chặn còn quá sớm", ông Hadley cho biết. Trong khi đó, một phát ngôn viên của Cơ quan phòng thủ tên lửa thuộc Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng loại radar đang sử dụng tại trạm của Nga là hệ thống cảnh báo đời đầu trong khi Mỹ đang sử dụng một hệ thống mạnh hơn có tên gọi X-band.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định: "Đề xuất này cho thấy một lần nữa rằng Tổng thống Putin sẵn sàng tìm kiếm sự đồng lòng, nhất trí. Ông sẵn sàng tìm kiếm các giải pháp, không phải bằng đối đầu hay đe dọa bất kỳ ai - việc mà ông chưa từng làm - mà thông qua hợp tác". Đại diện Mỹ Hadley cũng thừa nhận: "Tôi nghĩ Tổng thống Putin muốn xuống thang một chút trước các căng thẳng về vấn đề này. Tôi nghĩ đây là một việc hữu ích".

Kế hoạch của ông Putin có thể buộc Washington phải cân nhắc kĩ lưỡng đề án phòng thủ châu Âu nhằm chống lại các cuộc tấn công trong tương lai của các quốc gia như Iran và CHDCND Triều Tiên. Mặc dù việc Mỹ chấp nhận ngay ý tưởng của lãnh đạo Điện Kremlin là không chắc chắn nhưng Nhà Trắng dường như sẵn sàng tránh gây thêm những căng thẳng giữa hai nước.

Một số chuyên gia phân tích nhận định rằng tổng thống Nga đã thu hút sự chú ý của thế giới bằng một động thái được coi là trấn an những lo ngại ở châu Âu. Ngay cả khi cuối cùng Nhà Trắng bác bỏ đề xuất của ông, ông Putin có thể tuyên bố rằng ông đã thỏa hiệp và có thể đổ lỗi cho ông Bush về những hậu quả trái ngược.

G8 thỏa hiệp về vấn đề ấm lên toàn cầu

Tại hội nghị G8, cả hai tổng thống Bush và Putin cũng như các lãnh đạo thế giới khác đi đến nhượng bộ về một kế hoạch đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu. Họ đã nhất trí sẽ tìm cách cắt giảm đáng kể các khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng không cam kết những mục tiêu cụ thể.

Các lãnh đạo G8 cũng cho rằng những quốc gia đang phát triển cũng nên thực thi hành động tương tự như họ nhằm đối phó với sự ấm lên toàn cầu.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, G8 sẽ thương thuyết trong khuôn khổ Liên hợp quốc nhằm tìm giải pháp thay thế cho Nghị định thư Kyoto vào cuối năm 2009. Dù không có các mục tiêu bắt buộc nhưng người đứng đầu nước chủ nhà hy vọng việc cắt giảm 50% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2015 sẽ được nêu rõ trong tuyên bố chung của các quốc gia tham dự G8.

  • Thanh Bình (theo AP, BBC)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,