Chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Bush và các nhân viên dưới quyền cất cánh từ căn cứ không quân Andrews, gần Washington lúc 7:00 giờ địa phương (18:00 giờ Việt Nam). Chuyến đi của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ trải dài từ Biển Baltic tới Địa Trung Hải, với trọng tâm là tham dự hội nghị G8 diễn ra trong 3 ngày tại Đức. Ông Bush cũng sẽ dừng chân ở Cộng hòa Czech, Ba Lan, Italia, Albania và Bulgaria cũng như hội kiến với Giáo hoàng Benedict tại Vatican.
Các quan chức Mỹ cho hay Tổng thống Bush đã lên kế hoạch về một cuộc "tiếp xúc làm quen" với tân Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, cuộc trò chuyện giã biệt với người đồng minh, Thủ tướng Anh sắp từ nhiệm Tony Blair và cuộc hội đàm được chờ đợi với người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị G8 bắt đầu từ thứ Tư (6/6).
Tổng thống Mỹ George W. Bush
Cuộc "khẩu chiến" mới đây giữa Moscow và Washington đang làm cho mối quan hệ song phương ngày càng xấu đi. Tổng thống Putin hiện phản đối kịch liệt các đề án xây dựng lá chắn tên lửa của Mỹ tại CH Czech và Ba Lan và coi nó là một sự đe dọa đối với nước Nga. Tuy nhiên, Washington đã bác bỏ quan điểm này. Ông Bush cũng mời Nga tham gia hệ thống phòng thủ và biện giải rằng nó được thiết lập nhằm bảo vệ châu Âu trước những nguy cơ tiềm ẩn từ những quốc gia như Iran. Trong một động thái được coi là nhằm xoa dịu căng thẳng, ông Bush đã mời ông Putin tới nơi nghỉ mát của gia đình ông tại Maine vào tháng tới để hội đàm trong hai ngày.
Tại Prague, CH Czech, ông Bush sẽ thảo luận về tầm quan trọng phải tăng cường dân chủ trong một hội nghị quốc tế do các nhà hoạt động nhân quyền và ủng hộ dân chủ tổ chức. Trong số các đại biểu tham dự có cả cựu Tổng thống Czech Vaclav Havel.
Theo cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ cũng sẽ tới cảm ơn Ba Lan vì việc hợp tác trong kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, giúp thúc đẩy tự do ở Belarus và hỗ trợ các nền dân chủ trẻ hơn như Ukraine.
Chuyến thăm Albania của ông Bush sẽ là chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc gia này. Nó diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ - Nga đang bất đồng về vấn đề ly khai của Kosovo, nơi tập trung đông người Albania thiểu số. Washington ủng hộ một kế hoạch độc lập cho Kosovo dưới sự giám sát của quốc tế do Martti Ahtisaari, quan chức trung gian hòa giải của Liên hợp quốc, đề xuất. Tuy nhiên, Moscow lại có quan điểm ngược lại.
Chặng dừng chân cuối cùng của ông Bush sẽ là Bulgaria. Tại đây, ông sẽ nêu bật tầm quan trọng phải thúc đẩy dân chủ ở khu vực Balkans.
Chương trình nghị sự "mềm dẻo"
Theo giới quan sát, trước thực tế là nhiều người Mỹ đang la ó đòi chấm dứt cuộc chiến Iraq, vị tổng thống của đảng Cộng hòa đã chọn tập trung vào một chương trình nghị sự "mềm dẻo hơn" trước các cuộc gặp với các lãnh đạo châu Âu, Canada, Nhật và Nga tại Đức.
Các mục tiêu của chương trình nghị sự đã được ông Bush chuẩn bị khá kĩ càng trong tuần vừa qua: tuyên bố bổ nhiệm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Robert Zoellick làm Chủ tịch Ngân hàng thế giới - một chọn lựa được ca ngợi ở châu Âu, nơi đã thúc ép chấm dứt thời kỳ cầm quyền đầy sóng gió của ông Paul Wolfowitz; gắn những lí lẽ hùng biện về cái mà ông công khai chỉ trích là tội diệt chủng tại vùng Darfur của Sudan với những hành động trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ; yêu cầu Quốc hội Mỹ khôi phục lại chương trình chống AIDS do ông khởi xướng tại các nước châu Phi nghèo đói cũng như cung cấp 30 triệu cho chương trình này trong 5 năm tới - gần gấp 2 số tiền đã chi ra trong 5 năm đầu tiên; và đề xuất rằng Mỹ cùng 14 quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới khác trong vòng 18 tháng tới phải quyết định về mục tiêu dài hạn toàn cầu trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Charles Kupchan, người chuyên trách các nghiên cứu châu Âu tại Hội đồng đối ngoại Mỹ nhận định: "Ông Bush đang hướng tới hình ảnh một nước Mỹ thân thiện và tốt đẹp hơn. Đây là một chương trình nghị sự được châu Âu ưa chuộng hơn là những cuộc hội đàm về cuộc chiến đấu chống lại (mạng lưới khủng bố) Al-Qaeda và truy kích (phiến quân) Taliban xuyên qua các miền đồi núi ở tỉnh Konar (thuộc biên giới phía đông Afghanistan, giáp với Pakistan)".
Tuy nhiên, ông Kupchan cho rằng "đối với vấn đề thay đổi khí hậu, ông Bush sẽ nhận thấy mình bị cô lập". Châu Âu đã "lạnh nhạt đón chào" đề xuất của ông Bush về vấn đề này. Một số nhà phân tích thậm chí bình luận rằng đây là một thất bại đối với Thủ tướng Đức Angela Merkel, người muốn G8 chấp nhận yêu cầu cắt giảm 50 % các hoạt động thải khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050.
-
Thanh Bình (Theo AP, Reuters)