GS Liviu Librescu đã hy sinh mạng sống của ông để cứu sống nhiều sinh viên bằng cách lấy thân mình chặn cửa để họ có thời gian trốn thoát, trước khi tay súng xông vào lớp học tại ĐH Công nghệ Virginia hôm 16/4. Hành động anh hùng này sau đó đã được kể lại trong những bức thư điện tử mà sinh viên gửi cho vợ ông.
>Toàn cảnh vụ thảm sát tại ĐH Công nghệ Virginia
Vợ chồng GS Librescu |
’’Cha tôi đã chặn cửa ra vào bằng thân thể của ông và yêu cầu các sinh viên bỏ chạy. Các sinh viên bắt đầu mở cửa sổ và nhảy ra ngoài’’, Joe Librescu, con trai của GS Librescu cho biết qua điện thoại từ nhà của anh ở ngoại ô Tel Aviv.
Joe Librescu cho biết người sinh viên cuối cùng rời khỏi phòng học đã viết trong email rằng anh ngoái nhìn và thấy người thầy của anh đang vật lộn để giữ cửa và anh ’’bị giằng xé giữa việc nhảy ra ngoài và ý định quay lại giúp cha tôi’’. ’’Anh ấy đã chọn, có lẽ là quyết định đúng, để nhảy ra ngoài cửa sổ’’, con trai GS nói.
GS Librescu, 76 tuổi, đã nếm trải sự khó khăn kể từ thời thơ ấu. Khi Romania liên kết với Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, ban đầu ông bị giam tại một trại tập trung lao động ở Transnistria và sau đó bị trục xuất cùng gia đình và hàng nghìn người Do Thái khác tới một khu Do Thái ở thành phố Focsani, Romania.
Theo báo cáo năm 2004 của chính phủ Romania, có 280.000-380.000 người Do Thái đã bị chế độ thân Hitler ở Romania giết hại trong suốt cuộc chiến. Bà Marlena Librescu, vợ của GS Librescu, cho biết họ đã ở Romania trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai, sống giữa những người Đức và người Romania chống Do Thái.
GS Librescu đã sống sót sau Holocaust - nạn tàn sát người Do Thái vào thời Hitler. Ông là kỹ sư hàng không đã giảng dạy tại Virginia trong 20 năm qua. Thế nhưng ông lại thiệt mạng vì súng đạn của học trò, vào đúng Ngày tưởng niệm các nạn nhân Holocaust.
Sau chiến tranh, Librescu trở thành một kỹ sư thành công và làm việc tại cơ quan hàng không vũ trụ Romania. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông gặp trở ngại vào những năm 1970 khi ông từ chối thề trung thành với chế độ của nhà độc tài Nicolae Ceausescu. Sau đó, ông bị sa thải khi xin phép di cư sang Israel. Sau nhiều năm bị từ chối, cuối cùng Thủ tướng Israel Menachem Begin đã can thiệp để gia đình ông có được giấy phép di cư. Họ chuyển tới Israel năm 1978.
GS Librescu tới Virginia năm 1985 để nghỉ phép. Cuối cùng ông trở thành giảng viên toán học và kỹ thuật tại trường này, xuất bản nhiều cuốn sách và nhận được không ít giải thưởng cho các công trình nghiên cứu của ông.
Tại Romania, giới trí thức đã thể hiện sự tiếc thương về cái chết của GS Librescu. ’’Đó là một sự mất mát lớn. Ông đã phản ứng và bảo vệ sinh viên bằng chính mạng sống của ông’’, Ecaterina Andronescu, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa ở Bucharest, nơi Librescu tốt nghiệp năm 1953, nói.
GS Nicolae Serban Tomescu đã mô tả GS Librescu là một người mạnh mẽ và có phẩm cách. ’’Ông yêu mến sinh viên của mình và đã hy sinh mạng sống để cứu họ’’, Tomescu nói.
-
Minh Sơn (Theo AP, AFP)