221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
919976
Chiến thuật tranh cử của các ứng viên TT Pháp
1
Article
null
Chiến thuật tranh cử của các ứng viên TT Pháp
,

Ứng viên Tổng thống đảng Xã hội Segolene Royal khắc họa hình ảnh bản thân là một bà mẹ 4 con giỏi việc nước đảm việc nhà. Trong khi đó, đối thủ theo đường lối bảo thủ của bà Nicolas Sarkozy lại mô tả mình là một người chủ trương cải tổ táo bạo quyết tâm phá vỡ các chính sách cũ.

Poster tranh cử của các ứng viên treo trước cửa một trường học
Poster tranh cử của các ứng viên treo trước cửa một trường học

Cuộc đua sít sao

Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp đã bước vào giai đoạn cuối từ hôm 9/4. Một loạt spot quảng cáo được các ứng viên dàn dựng kỹ sẽ phát trên đài phát thanh và truyền hình để lôi kéo những cử tri chưa biết bầu cho ai. Những người chưa quyết định hiện chiếm 50% lượng cử tri. Vòng bỏ phiếu đầu tiên sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa.

Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông Sarkozy sẽ dẫn đầu trong vòng bỏ phiếu ngày 22/4, tiếp theo là bà Royal. Francois Bayrou, ứng viên cam kết hàn gắn sự chia rẽ tả hữu truyền thống, đứng thứ 3. Jean-Marie Le Pen, người theo chủ nghĩa dân tộc, đứng thứ 4, ông này được đánh giá là có cơ hội bước vào bỏ phiếu vòng hai ngày 6/5.

Cuộc đua giữa những người đang dẫn trước sẽ khá gắt gao vì còn nhiều cử tri chưa quyết định. Kết quả vẫn bỏ ngỏ. Kết quả thăm dò do CSA-Cisco công bố hôm 8/4 cho thấy, 42% số người được hỏi vẫn chưa biết sẽ ủng hộ ai.

Poster của ứng viên Segolene Royal và Le Pen
Poster của ứng viên Segolene Royal và Le Pen

Hiện nay, người dân Pháp không còn trung thành với các đảng phái chính trị nữa, điều này trái ngược với thời kỳ trước đây. Phần lớn dân chúng vẫn chưa chắc chắn ai sẽ là người phù hợp để lãnh đạo đất nước sau khi Tổng thống Jacques Chirac về hưu.

Chiến dịch tranh cử sẽ được kiểm soát kỹ càng. Trên các bản tin, đài truyền thanh và truyền hình phải dành số thời lượng phát sóng tương đương nhau cho các ứng viên. Khi áp phích quảng cáo cho các ứng viên xuất hiện tại những điểm bỏ phiếu từ ngày 9/4, các nhân viên bầu cử có trách nhiệm đảm bảo số lượng poster của mỗi người bằng nhau.

Những người điều hành hệ thống nghe nhìn ở Pháp phân bổ cho mỗi ứng viên Tổng thống 45 phút phát sóng quảng cáo về mình trên tivi và đài phát thanh cho tới ngày 20/4, hai ngày trước khi vòng bỏ phiếu diễn ra. Tới thời điểm này, mọi ứng viên phải ngừng quảng cáo và không một kết quả thăm dò nào được công bố.

Luật Pháp không cho phép một bên thứ ba tạo quảng cáo chính trị, chỉ có ứng viên chính thức mới có quyền lợi này.

Khách bộ hành xem poster tranh cử của các ứng viên
Khách bộ hành xem poster tranh cử của các ứng viên

Nghệ thuật tranh cử

Ứng viên Tổng thống 4 con Royal áp dụng phương pháp tiếp cận đơn giản. Lấy nền là bầu trời xanh, bà Royal nói chuyện trước các cử tri về bản thân. ’’Tôi là một người phụ nữ, tôi là mẹ của 4 đứa trẻ. Tôi đang đứng trên mặt đất. Tôi thực tế. Tôi là một người phụ nữ tự do’’.

Trong khi đó, đối thủ của bà Royal là cựu Bộ trưởng Nội vụ Sarkozy lại hướng đến thông tin chi tiết mang tính tự truyện. Ứng viên này tập trung vào chủ đề chính là việc làm và nhập cư.

’’Hành động là đam mê cuộc sống của tôi’’, ông Sarkozy, người cam kết phá vỡ những chính sách cũ để giải quyết nạn thất nghiệp cao và giúp người di cư hòa nhập tốt hơn.

Ứng viên Bayrou xuất hiện trong quảng cáo cận cảnh nói, ông là người duy nhất có thể đoàn kết nhân dân Pháp. ’’Tôi muốn trở thành Tổng thống - người có khả năng đưa dân Pháp đứng lại gần nhau. Đó là cách duy nhất để tái thiết nước Pháp’’.

Ứng viên cực hữu Le Pen lại áp dụng chiến thuật khá hiếu chiến. Le Pen cáo buộc các ứng viên đang dẫn trước là Sarkozy và Royal đeo bám chủ đề tranh cử của mình - nhập cư và bản sắc dân tộc - đồng thời kêu gọi cử tri hãy chọn bản chính thay vì các bản sao.

Trong số 12 ứng viên Tổng thống Pháp, có 7 người thu được chưa đầy 5% ủng hộ. Một số ứng viên đã phát quảng cáo hôm 9/4 gồm có Frederic Nihous - quán quân săn bắn, Jose Bove - nông dân trở thành nhà hoạt động chống toàn cầu hóa, Philippe de Villiers - ứng viên cánh tả - người lên án cái gọi là ’’Hồi giáo hóa nước Pháp’’.

  • Hoài Linh (Theo AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,