Thủ tướng Tony Blair khẳng định 15 lính thuỷ Hoàng gia Anh đã được trả tự do mà “không có thoả thuận, đàm phán hay hứa hẹn nào” với Iran.
Trước đó, Đài Truyền hình Iran dẫn lời một cố vấn cấp cao của lãnh đạo tối cao Iran rằng Anh đã gửi một bức thư xin lỗi. Tuy nhiên, các quan chức ngoại giao Iran khẳng định không hề có lá thư nào và bác bỏ thông tin chính phủ nước này đã xin lỗi về vụ việc.
Các thuỷ thủ Anh đang lên một máy bay quân sự tại Heathrow, London.
Đêm qua, những người lính trên đã có đêm đầu tiên trên đất Anh sau 13 ngày bị giữ ở Tehran. Họ được chào mừng trở về bằng rượu sâm-panh và những giọt nước mắt, với cả một số câu hỏi về lời thú nhận xâm phạm hải phận Iran trên truyền hình nước Cộng hoà Hồi giáo.
Trong không khí hân hoan, các quan chức Bộ Quốc phòng Anh cho biết sẽ không một lính thuỷ nào bị kỷ luật vì đã thú nhận như vậy.
Tuy nhiên, Thủ tướng Blair thì tỏ vẻ buồn rầu. Ông nói rằng trong khi cả nước chào mừng sự kiện đặc biệt và ca ngợi nỗ lực ngoại giao đã mang lại tự do cho 15 lính thuỷ thì niềm vui ấy bị dập tắt bởi cái chết của 4 binh sĩ Anh vì “hành động khủng bố” tại Basra, Iraq, vào hôm qua.
Bộ Quốc phòng Anh xác nhận bốn lính bị giết trong một vụ nổ bom ven đường và người thứ 5 bị thương nặng. Một phiên dịch người Kuwait cũng thiệt mạng.
Thủ tướng Blair cho biết hiện còn “quá sớm” để nói Iran có sự liên quan trong vụ tấn công này hay không. Tuy nhiên, ông cho bíêt thêm rằng “nhìn chung, như tôi đã nói trước đó, là có nhiều yếu tố mà ít nhất cho thấy thể chế Iran đang hậu thuẫn, tài trợ và vũ trang cho bọn khủng bố ở Iraq”.
Ông Blair cũng bác bỏ các giả thuyết rằng việc một quan chức Iran ở Iraq được tự do và sự kiện hôm qua có liên quan với nhau.
"Tài ngoại giao khôn khéo"
Thủ tướng Blair khẳng định Anh đã thành công trong việc đảm bảo tự do cho binh sĩ của mình “nhanh hơn nhiều người dự đoán” và “không có thoả thuận, đàm phán hay bất cứ một hứa hẹn ở thể loại nào”.
Thủ tướng Anh Tony Blair.
“Chúng tôi tuyên bố rõ ngay từ đầu rằng chúng tôi sẽ không làm như vậy và chúng tôi giữ vững lập trường từ đầu tới cuối”, trích lời ông Blair.
Người đứng đầu chính quyền ở London cũng biện hộ cho chính sách kép của Anh trong cuộc khủng hoảng - một mặt sẵn sàng đối thoại với Iran, mặt khác huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. “Theo tôi, sẽ cực kỳ ngờ nghệch nếu tin rằng người của chúng ta sẽ được trả tự do mà không theo đuổi cả hai yếu tố chiến lược trên”.
Theo một nguồn tin cấp cao trong chính phủ Anh, nhiều chính phủ trong khu vực và thế giới Ảrập đã sẵn lòng thuyết phục Iran và điều này mang lại tác động hiệu quả cùng với thông điệp nhanh chóng của Hội đồng Bảo an.
15 lính thuỷ Anh hiện đã đoàn tụ với gia đình tại Doanh trại Lính thủy đánh bộ Hoàng gia Chivenor ở Devon.
-
Thanh Hảo (Theo AP, BBC, Reuters)