Thượng viện Mỹ hôm 29/3 đã thông qua một dự luật kêu gọi rút tất cả quân chiến đấu Mỹ khỏi Iraq trong vòng 1 năm, bất chấp sự đe dọa phủ quyết của Tổng thống Bush.
Một lính Mỹ đang làm nhiệm vụ ở Iraq |
Với 51 phiếu thuận và 47 phiếu chống, dự luật của Thượng viện phê chuẩn 122 tỷ USD tiền trợ cấp, chủ yếu dành cho các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Dự luật cũng lệnh cho Tổng thống bắt đầu rút quân khỏi Iraq trong vòng 120 ngày kể từ ngày thông qua dự luật. Dự luật đặt mục tiêu rút hết quân chiến đấu khỏi Iraq vào cuối tháng 3 năm tới.
Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua một dự luật tương tự, yêu cầu rút hết quân chiến đấu Mỹ khỏi Iraq trước 1/9/2008. Giờ Hạ viện và Thượng viện phải điều hòa hai dự luật và gửi kết quả thỏa hiệp lên Tổng thống Bush.
Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa hai dự luật là dự luật của Hạ viện chứa một hạn chót bắt buộc rút quân chiến đấu. Thời gian biểu ngắn hơn của Thượng viện là một mục tiêu, chứ không phải là một yêu cầu đối với ông Bush và được thiết kế để dành sự ủng hộ của các nghị sĩ Dân chủ ôn hòa.
Nếu ông Bush từ chối ký, dự luật không thể trở thành luật. Các cuộc bỏ phiếu ở cả Thượng viện và Hạ viện quá sát nút, do vậy Quốc hội sẽ không thể ngăn chặn được sự phủ quyết mà Tổng thống Bush đe dọa tiến hành.
Tuy nhiên, việc hai viện đưa ra hạn chót để rút quân là thách thức lớn nhất của Quốc hội dành cho chính sách chiến tranh của ông Bush.
Cuộc bỏ phiếu của Thượng viện diễn ra một ngày sau khi lãnh đạo của cả hai viện, do phe Dân chủ kiểm soát, viết thư cho Tổng thống, đổ lỗi cho ông về bế tắc đối với dự luật. ’’Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với ngài song những lời đe dọa phủ quyết một dự luật mà thậm chí chưa được trình lên ngài cho thấy có lẽ ngài không sẵn sàng hợp tác với chúng tôi’’, lãnh đạo Hạ viện Nancy Pelosi và lãnh đạo Thượng viện Harry Reid viết.
Lãnh đạo phe Cộng hòa cho biết họ không phong tỏa dự luật tài trợ vừa được thông qua bởi không muốn tước đi của quân đội các nguồn cung cấp quan trọng.
-
Minh Sơn (Theo BBC, Reuters)