221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
914604
Sóng gió cuộc đời cựu nữ Thủ tướng Pakistan
1
Article
null
Sóng gió cuộc đời cựu nữ Thủ tướng Pakistan
,

Năm 1988, Benazir Bhutto trở thành vị lãnh đạo chính phủ duy nhất trên thế giới từng sinh con khi còn cầm quyền. Dưới đây là những thổ lộ của cựu nữ Thủ tướng Pakistan về 3 lần mang thai đặc biệt của bà và cách một người mẹ trẻ đã đối mặt với chế độ độc tài như thế nào cũng như nỗi đau khi phải sống xa cách các con.

Tôi không chọn cuộc sống này mà là nó đã chọn tôi. Sinh ra ở Pakistan, cuộc đời tôi phản chiếu sự hỗn loạn, những bi kịch và cả những vinh quang của cuộc sống.

Bà Benazir Bhutto cùng 3 con (từ trái qua phải) Bakhtwar, Aseefa và Bilawal.
Bà Benazir Bhutto cùng 3 con (từ trái qua phải) Bakhtwar, Aseefa và Bilawal.
Lại một lần nữa, Pakistan trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế. Bọn khủng bố mượn danh Hồi giáo đe dọa sự ổn định của đất nước. Các lực lượng dân chủ tin rằng chủ nghĩa khủng bố có thể bị loại bỏ thông qua xúc tiến các nguyên tắc về quyền tự do. Nhưng, một chế độ độc tài quân sự thường tiến hành một trò chơi nguy hiểm, đầy những mưu đồ và dối trá. Nó khiếp sợ việc đánh mất quyền lực, dồn ép các lực lượng cải cách vào bước đường cùng trong khi những ngọn lửa của chủ nghĩa khủng bố vẫn rừng rực cháy.

Khẳng định bản lĩnh

Pakistan không phải là một đất nước bình thường. Và cuộc đời tôi cũng không phải là một cuộc đời bình lặng. Cha và hai em trai tôi bị sát hại. Mẹ tôi và vợ chồng tôi đều bị tù tội. Dẫu vậy, bất chấp những khó khăn và đau khổ, tôi vẫn cảm thấy mình may mắn. Tôi may mắn vì đã có thể phá bỏ những thành trì của truyền thống khi trở thành nữ thủ tướng dân bầu đầu tiên của Hồi giáo.

Sự tín nhiệm đó là điểm khơi mào cho cuộc tranh luận kịch kiệt trong thế giới Hồi giáo về vai trò của phụ nữ đạo Hồi. Nó chứng minh rằng một phụ nữ Hồi giáo có thể được bầu làm thủ tướng, có thể quản lý một đất nước và có thể được cả đàn ông và đàn bà thừa nhận là một vị lãnh đạo. Và trong khi cuộc tranh luận giữa các nhà cải cách và những kẻ cực đoan vẫn đang tiếp diễn, phụ nữ khắp thế giới Hồi giáo đã tạo ra những bước tiến vĩ đại kể từ khi tôi tuyên thệ nhậm chức lần đầu tiên vào ngày 2/12/1988.

Chẳng mấy người trên thế gian này được ban cho đặc ân là khả năng tác động đến sự chuyển biến trong xã hội; mang tới một kỉ nguyên hiện đại cho một đất nước chỉ có cơ sở hạ tầng cơ bản; phá vỡ những khuôn mẫu về vai trò của người phụ nữ và cuối cùng là đem lại hy vọng về sự đổi thay cho hàng triệu người từng vô vọng trước đó. Đây không nhất thiết là cuộc sống tôi sẽ chọn. Nhưng nó đã là một cuộc sống của thời cơ, trách nhiệm và sự đáp ứng.

Hai mươi năm trước, vì những biến cố của cuộc đời - cha bị ám sát, bản thân bị tù đày, trách nhiệm tiếp tục gánh vác sự nghiệp chính trị của cha - tôi chẳng còn mấy kỳ vọng về việc tìm thấy hạnh phúc riêng tư, tình yêu, hôn nhân và những đứa con. Giống như Nữ hoàng Anh Elizabeth I, người cũng đã trải qua sự tù đày và độc thân, tôi từng nghĩ mình sẽ không bao giờ kết hôn. Tuy nhiên, những gì xảy ra với tôi đã thách thức những dự tính thiển cận này. Tôi tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong hôn nhân dù trong những hoàn cảnh khó khăn.

Tôi tự hào về chồng mình vì sự dũng cảm và trung thành của anh ấy khi sát cánh bên tôi suốt 19 năm chung sống. Trong những năm này, anh ấy hoặc là sống ở dinh thủ tướng hoặc là một tù nhân chính trị, bị biến thành con tin cho sự nghiệp của tôi. Và tôi cảm thấy mối quan hệ của chúng tôi đã bền chặt hơn bất chấp sự xa cách về không gian và những âm mưu khiến chúng tôi chống lại nhau.

Không, cuộc sống không như những gì tôi từng ước định. Nhưng, tôi không nghĩ mình sẽ đổi vị trí cho bất kỳ người phụ nữ nào khác trong lịch sử. Tôi tin rằng sự nghiệp của tôi sóng gió hơn vì tôi là phụ nữ. Rõ ràng là, không hề dễ dàng đối với người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Dù sống ở bất kỳ đâu, chúng tôi vẫn phải đi thêm một chặng đường dài nữa để chứng minh rằng chúng tôi bình đẳng với nam giới. Chúng tôi phải làm việc nhiều giờ hơn và phải hy sinh nhiều hơn. Chúng tôi phải dũng cảm tự bảo vệ mình trước bất công, thường là những công kích đầy ác ý nhắm vào chúng tôi.

Tuy nhiên, chúng tôi không phàn nàn về những định kiến mà phải vượt qua chúng. Chúng tôi phải sẵn sàng làm như vậy ngay cả khi nó có nghĩa phải nỗ lực làm việc gấp hai so với đàn ông.

Sự can trường của người mẹ

Tôi hàm ơn mẹ vì người đã dạy tôi rằng mang thai chỉ là một trạng thái sinh học của con người và nó không nên bị biến thành cái ngáng trở cuộc sống thường nhật. Cố gắng đáp ứng những mong đợi của mẹ, tôi hầu như đã bỏ ngoài tai mọi lời bóng gió về những giới hạn tình cảm và thể chất trong suốt thời gian thai nghén. Nhưng, tôi nhận thức sâu sắc rằng những gì đáng lẽ thuộc về đời tư đã trở thành đề tài tranh cãi chính trị nảy lửa, từ các trụ sở quân đội cho tới các tòa soạn báo. Ý thức được việc này, tôi giữ bí mật chính xác những gì xảy ra trong thời gian mình mang thai.

Tôi có 3 đứa con rất đáng yêu: Bilawal, Bakhtwar và Aseefa. Chúng mang tới cho tôi niềm vui và sự tự hào. Khi tôi đang đón chờ đứa con trai đầu lòng, Bilawal, vào năm 1988, tôi 35 tuổi. Nhà độc tài quân sự lúc đó đã giải tán quốc hội và kêu gọi tổng tuyển cử. Ông ấy và những tướng lĩnh quân đội hàng đầu tin rằng một người phụ nữ đang mang thai không thể tham gia chiến dịch vận động tranh cử. Họ đã nhầm. Tôi có thể và đã làm điều đó. Tôi tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử được tổ chức ngay sau khi Bilawal được sinh ra vào ngày 21/9/1988. Việc sinh Bilawal là một trong những sự kiện hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi. Vượt qua các vòng bỏ phiếu trong năm đó, bất chấp những dự đoán rằng một phụ nữ Hồi giáo không thể chiếm được trái tim và khối óc của nhân dân trong nước, là một niềm hạnh phúc khác.

Chỉ ít lâu sau khi đắc cử chức thủ tướng, mẹ thúc giục tôi "nhanh lên và sinh thêm một đứa con nữa". Bà tin rằng một người mẹ nên nhanh chóng sinh những đứa con trước khi bản thân nhận ra những thách thức trong việc chăm sóc gia đình và hoàn thành các bổn phận. Tôi đã làm theo lời khuyên của mẹ.

Một khi phe đối lập biết được tôi mang thai, họ bắt đầu ta tay. Họ kêu gọi tổng thống và quân đội lật đổ tôi. Họ tuyên bố rằng những nguyên tắc của chính phủ Pakistan không cho phép một thủ tướng mang thai được nghỉ phép để sinh con. Họ nói trong suốt thời gian nghỉ đẻ, tôi sẽ không thể tiếp tục công việc và do đó, bộ máy chính phủ sẽ "tê liệt" trong khoảng thời gian đó. Điều này, đối với họ, là không hợp hiến và buộc tổng thống với sự hậu thuẫn của quân đội phải sa thải thủ tướng và thiết lập chính phủ lâm thời nhằm tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Tôi đã bác bỏ các yêu sách của phe đối lập, chỉ ra rằng những quy định về thời kỳ thai sản tồn tại trong luật dành cho các lao động nữ (cha tôi, cựu Thủ tướng bị lật đổ Zulfikar Ali Bhutto, đã luật hóa quy định nghỉ phép thai sản). Tôi biện luận rằng luật hoàn toàn được áp dụng cho trường hợp của một nữ thủ tướng ngay cả khi nó không được nêu ra trong các nguyên tắc điều hành công việc của chính phủ. Các thành viên chính phủ đã sát cánh bên tôi. Họ nói rằng khi một nữ lãnh đạo "khó ở", điều đó không biến thành một cuộc khủng hoảng hiến pháp.

Tuy nhiên, phe đối lập hầu như không chịu xoa dịu. Họ lên kế hoạch tổ chức các cuộc biểu tình gây sức ép buộc tổng thống giải tán chính phủ. Tôi cũng phải dự tính những kế hoạch của mình.

Cha đã dạy tôi rằng trong chính trị, tính toán thời cơ là vô cùng quan trọng. Tôi đã xin tư vấn bác sĩ riêng. Chuyên gia này khẳng định cái thai trong bụng tôi đã đủ tháng đủ ngày. Và được sự cho phép của ông, tôi đã quyết định sinh mổ đúng vào thời điểm phe đối lập kêu gọi biểu tình.

Tôi không muốn tạo ra ấn tượng rằng việc sinh nở làm ảnh hưởng tới công việc. Vì vậy, bất chấp điều kiện của mình, tôi lao vào làm việc, thậm chí miệt mài hơn một nam thủ tướng đã từng thể hiện.

Cuối cùng, tôi chủ trì một cuộc họp nội các tại thủ đô và sau đó rời tới Karachi. Tôi tỉnh dậy vào sáng sớm và cùng một người bạn lái xe tới bệnh viện. Xe của bạn tôi nhỏ, khác xa những chiếc Mercedes màu đen tôi thường dùng đi công vụ. Cảnh sát đang làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh hầu như chẳng ghé mắt nhìn tới chiếc xe này. Họ tập trung vào những chiếc xe đang tiến vào tư dinh của tôi hơn là những chiếc từ đó đi ra.

Tim tôi đập thình thịch khi chúng tôi phóng tới bệnh viện, nơi bác sĩ riêng đang đợi. Tôi có thể nhìn thấy sự ngạc nhiên trên khuôn mặt của các nhân viên làm việc tại cơ sở y tế này khi tôi bước xuống xe. Tôi biết tin tức sẽ loang ra rất nhanh qua điện thoại di động và máy nhắn tin, những thiết bị truyền thông mà chính phủ của tôi đã cho phép du nhập. (Chúng tôi là quốc gia đầu tiên ở Nam Á và Trung Đông có điện thoại di động).

Tôi nhanh chóng chạy qua hành lang tới phòng mổ. Tôi biết mẹ và chồng tôi đang trên đường tới theo kế hoạch đã bàn thảo từ trước. Ngay khi tôi bắt đầu hồi tỉnh sau hôn mê trong lúc ngồi trên xe đẩy từ phòng mổ về phòng nằm riêng, tôi nghe thấy chồng thốt lên: "Đó là con gái". Tôi thấy mặt mẹ tràn đầy vẻ thỏa mãn. Tôi đặt tên cho con gái là Bakhtwar, có nghĩa là thần tài. Và con bé đã làm được điều đó. Các cuộc đình công chìm xuống sau thời gian rầm rộ ban đầu và phong trào của phe đối lập cũng sụp đổ.

Tôi nhận được các thông điệp chúc mừng từ khắp nơi trên thế giới. Lãnh đạo các chính phủ và người dân thường đã viết thư cho tôi, chia sẻ niềm vui. Đó là một thời khắc hệ trọng, đặc biệt đối với những phụ nữ trẻ, bởi nó chứng minh rằng một người phụ nữ có thể làm việc và sinh con trong lúc đang giữ các địa vị cao nhất và đầy thách thức nhất. Ngày tiếp theo, tôi quay trở lại làm việc ngay, đọc các tài liệu và kí giấy tờ của chính phủ. Chỉ sau này, tôi mới nhận ra rằng tôi đã ghi dấu ấn trong lịch sử khi trở thành lãnh đạo chính phủ duy nhất thực sự sinh con khi còn tại nhiệm.

Dằn vặt khi xa cách các con

Bakhtwar sinh ra vào tháng 1/1990. Bảy tháng sau đó, vào ngày 6/8, tổng thống đã giải tán chính phủ của tôi một cách bất hợp trong khi dư luận thế giới đang chuyển hướng chú ý sang sự kiện Iraq chiếm đóng Kuwait. Chồng tôi bị bắt và mẹ tôi đề xuất rằng tôi nên gửi các con ra nước ngoài. Tôi đã đau xé ruột khi phải rời xa các con, Bilawal, mới 2 tuổi và Bakhtwar, chưa tròn 1 tuổi. Em gái tôi, hiện đang sống ở London, đã nhận chăm sóc hộ các con tôi. Bố mẹ chồng tôi cũng giúp nuôi dưỡng các cháu bằng cách chuyển tới thủ đô nước Anh.

Trở về nhà, tôi luôn gặp ác mộng và luôn nghe thấy tiếng con khóc gọi mình. Em gái tôi thường xuyên gọi điện thoại và khuyên tôi không nên quá lo lắng. Nhưng, những cơn ác mộng không thôi ám ảnh tôi.

Do chính phủ bị sa thải, thành phố cảng Karachi chìm đắm trong bất ổn và hỗn loạn. Chủ nghĩa khủng bố tác oai tác quái. Nhiều thường dân vô tội bị thảm sát trong lúc đang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc khi ở bên ngoài nhà họ hay trong văn phòng làm việc. Tôi biết các con sẽ an toàn hơn nếu chúng ở London. Nhưng, tôi vẫn cảm thấy khó chìm vào giấc ngủ hết đêm này đến đêm khác, luôn bừng tỉnh với những cơn ác mộng.

Lúc bấy giờ, mẹ và tôi sống chủ yếu ở thủ đô Islamabad. Chồng tôi (được bầu vào quốc hội năm 1990) cũng bị quản thúc tại gia trong thời gian diễn ra các phiên họp quốc hội. Tôi giãi bày với mẹ và chồng về những cảm giác kiệt quệ khi phải sống xa các con. Tôi cảm thấy mình đang bỏ rơi chúng và lo lắng rằng điều đó có thể làm tổn thương sự trưởng thành về mặt thể chất và tinh thần của chúng.

Vào năm 1991, Bilawal bắt đầu đi nhà trẻ ở London. Bakhtwar mới chỉ 1 tuổi. Tôi tự trấn an rằng con bé sẽ không được an toàn nếu ở nhà cùng chúng tôi tại Pakistan. Tôi bay tới London và sốt ruột đi tới căn hộ của cô em gái Sanam. Ngay khi tôi gõ cửa, tôi nghe thấy tiếng con gái khóc, giống hệt như trong những giấc mơ của tôi. Tôi nhanh chóng ôm con bé vào lòng và kéo con trai về phía mình.

"Chị đã quyết định đem Bakhtwar về với mình", tôi nói với em gái. Sanam thở dài nhẹ nhõm: "Em đã không muốn làm buồn lòng chị, nhưng cháu đã không ngừng khóc nhiều tháng nay rồi".

Không nói một lời nào, nhưng dường như cả hai đứa trẻ đều hiểu những gì sắp xảy đến. Chừng nào còn sống, tôi sẽ không bao giờ quên cái cảnh con trai Bilawal mặc áo sơ mi trắng, quần sọc xanh da trời, tất trắng, giầy đen, ngồi trên sàn cầu thang, lưng dựa vào tường. Bilawal nhìn tôi trừng trừng, một cách im lặng và tự kỉ, với đôi mắt nâu buồn nhất trên trái đất này khi tôi đem Bakhtwar theo và để cháu lại. Không một người mẹ nào được phép bỏ lại đứa con trai 2 tuổi. Người ta không nên để đứa trẻ nào cảm nhận thấy người mẹ đẻ đang mang đi một đứa con khác và bỏ rơi nó.

Không lùi bước

Hàng loạt sự kiện: sự sụp đổ của chính quyền do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) lãnh đạo vào năm 1990, chiến dịch tranh cử, sự xa cách các con, cuộc săn lùng, tìm diệt gia đình và đảng phái của mình, ... đã khiến tôi sụt cân rất nhanh. Vào mùa xuân năm 1992, tôi nhận thấy mình lại đang mang thai một đứa con nữa. Là con đầu trong một gia đình 4 đứa trẻ, tôi cảm thấy thỏa mãn khi chứng kiến mái ấm của mình đang lớn thêm.

Tuy nhiên, đây cũng là một thời kỳ bất ổn, xung đột đẫm máu. Thủ tướng đương nhiệm muốn biến Pakistan thành một quốc gia thần quyền. Ý kiến này đã vấp phải sự chống đối của đa số người dân Pakistan. Nhưng, các thế lực trong quân đội đã hậu thuẫn thủ tướng và ông ta đã giành được sự ủng hộ của 2/3 số nghị sĩ trong hạ viện. Các đảng phái đối lập cùng hợp sức trong một liên minh lớn, lấy tên Liên minh Dân chủ Pakistan (PDA) và chúng tôi kêu gọi một cuộc biểu tình tại Rawalpindi vào ngày 18/11/1992.

Lúc đó, tôi rất gầy. Không ai nghi ngờ việc tôi sẽ sinh con. Mặc dù sụt cân hoặc cũng có thể vì nguyên nhân đó, tôi cảm thấy khỏe mạnh và tràn đầy sinh lực. Lời kêu gọi biểu tình đã tái tạo năng lượng cho tôi. Người dân trên khắp đất nước hưởng ứng nó. Từ khắp Pakistan, các đoàn người sẵn sàng rầm rập kéo về Rawalpindi để tham gia cuộc biểu dương sức mạnh nhân dân. Mục đích là khôi phục dân chủ, ngăn chặn chế độ thần quyền và nêu ra những vấn đề thiết thực của người dân.

Vào đêm trước biểu tình, tôi nghe được tin chính quyền đã quyết định sử dụng các lực lượng đàn áp chúng tôi tụ họp. "Điều đó có nghĩa chính quyền có thể sẽ phun khí hơi cay", tôi nói với Naheed Khan - thư kí chính trị của mình.

Tôi lo lắng cho đứa trẻ trong bụng. Ai đó đã hứa sẽ phân phát các mặt nạ phòng độc như trong quân đội nhưng họ đã không làm điều đó vào sáng hôm sau. Vì vậy, chúng tôi mang theo khăn tắm ướt. Một đám đông tụ tập suốt đêm bên ngoài nhà tôi. Sáng hôm sau, chúng tôi tỉnh dậy và thấy một hàng rào dây thép gai đã bao vây ngôi nhà. Khi tôi cùng các lãnh đạo đảng rời cổng trước, chúng tôi đã bị tấn công bằng dùi cui cảnh sát.

Một nhóm nhỏ trong chúng tôi tìm cách vượt qua hàng rào thép gai, tìm một chiếc xe jeep và "mở đường máu" chạy từ Islamabad tới Rawalpindi. Cứ một quãng, chúng tôi lại chạm mặt các xe cảnh sát đang truy nã mình. Chúng tôi đã phải lái xe chậm và cúi thấp đầu để tránh bị nhận diện.

Sau đó, có người trong lực lượng cảnh sát nói lại rằng khi nhận được báo cáo khẳng định tôi đang có mặt tại Rawalpindi, họ đã phì cười. Nhưng chỉ trong vòng mấy chục phút, cảnh sát nhận được nhiều cuộc điện thoại xác nhận đến mức họ quyết định tự đi kiểm tra thực hư. Họ phát hiện các thông tin xác thực. Và từ đó bắt đầu một cuộc săn đuổi điên cuồng trên các đường phố Rawalpindi.

Chiếc xe jeep độc nhất của chúng tôi chìm trong khí hơi cay phun từ mọi hướng. Còi báo động của xe cảnh sát hú vang, gây huyên náo khắp nơi. Cuộc rượt đuổi bằng xe hơi có gì đó giống với một bộ phim về James Bond, hoặc có lẽ giống diễn biến trong một tác phẩm điện ảnh của Bollywood hơn.

Đám đông hò reo quanh chúng tôi, cờ hoa, khẩu hiệu rợp trời. Quân tiếp viện cảnh sát được điều động ngày càng nhiều. Mọi đường phố tràn ngập ôtô và xe tải của lực lượng an ninh. Cảnh sát phun thẳng hơi cay vào kính chắn gió của xe jeep và nhắm vào chúng tôi. Kính chắn gió bị nứt. Cuối cùng, người tài xế không chịu nổi, anh ta đạp phanh, nhảy ra khỏi xe và mất dạng. Cảnh sát bao vây ôtô và bắt tất cả chúng tôi. Sau đó, chúng tôi được phóng thích nhưng những sự kiện ngày hôm ấy đã làm suy yếu chế độ.

Mặc dù, các sự kiện có thể không liên can đến nhau nhưng sau sự cố khí hơi cay, tôi bắt đầu bị đau túi mật. Tôi dùng thuốc vi lượng đồng cân để chữa trị nhưng cơn đau vẫn không dứt. Nếu tôi phẫu thuật để loại bỏ nó, tôi sẽ mất đứa con đang mang trong bụng. Tôi không muốn mạo hiểm. Khi cơn đau ngày càng dữ dội, tôi bay tới London. Các bác sĩ khuyên tôi nên sinh mổ càng sớm càng tốt, sau đó là một cuộc phẫu thuật khác nhằm loại bỏ túi mật. Vào ngày 3/2/1993, con gái út của tôi chào đời. Tôi âu yếm ôm con vào lòng.

Vào thời điểm ấy, tôi không biết rằng Aseefa là thành viên ruột thịt cuối cùng trong gia đình tôi. Ít lâu sau, vào ngày 24/12/1993, đảng PPP tái thắng cử. Trong vòng quay lặp lại của nền chính trị Pakistan, chính phủ thứ hai của tôi lại bị sa thải bất hợp pháp vào năm 1996. Anh Asif, chồng tôi lại bị bắt. Đáng buồn thay, vào tháng 11/2004, thời điểm anh ấy được tự do, tôi đã quá già để sinh thêm con.

Khi tôi viết những dòng này ở London, tôi phải thú nhận rằng cuộc sống của tôi hiện giờ khá khó khăn nhưng rất thú vị. Tôi sống nay đây mai đó, đi khắp thế giới để diễn thuyết về đạo Hồi, dân chủ và nữ quyền tại các trường đại học, hiệp hội kinh doanh, tổ chức phụ nữ và các viện nghiên cứu chính sách đối ngoại. Tôi tới thăm chồng đang chữa trị bệnh tại New York. Tôi giúp các con chuẩn bị cho các kỳ thi ở Dubai.

Và tôi cũng đang lãnh đạo một liên minh dân chủ đối lập, gồm các đảng phái chính trị thế tục ở Pakistan, đấu tranh cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng theo hiến pháp trong năm 2007. Đó dường như là một công việc choán nhiều thời gian và công sức. Nhưng nó là nhu cầu sống của tôi và tôi chấp nhận nó.

* Trích cuốn "Người con gái phương Đông" của bà Benazir Bhutto, được nhà xuất bản Simon & Schuster phát hành rộng rãi vào ngày 4/2 vừa qua.

  • Thanh Bình (theo Guardian)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,