Thượng viện Mỹ ngày 27/3 đã bỏ phiếu thông qua thời hạn cuối cùng để rút quân Mỹ khỏi Iraq là tháng 3/2008. Trước đó, Hạ viện đã ủng hộ việc này.
Lính Mỹ tại Iraq |
Việc làm của Thượng viện - hiện do đảng Dân chủ nắm đa số, ngay lập tức đã vấp phải đe dọa phủ quyết từ Nhà Trắng. Ngoài ra, nó còn làm trầm trọng thêm bất đồng giữa Quốc hội và Tổng tư lệnh. Cố gắng ngăn cản lịch trình không bắt buộc thực hiện việc rút quân của đảng Cộng hòa đã thất bại.
Cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra đánh dấu thách thức mạnh mẽ nhất của Thượng viện đối với chính quyền Tổng thống Bush cho tới thời điểm này về việc theo đuổi cuộc chiến Iraq. Hơn 3.200 lính Mỹ đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến Iraq bùng nổ.
Vài ngày trước, Hạ viện cũng thông qua hạn chót rút quân bắt buộc thi hành là ngày 1/9/2008, làm tăng khả năng sẽ có phủ quyết trong mùa xuân này.
Hai tuần trước đây, Thượng viện thất bại trong cuộc bỏ phiếu ấn định lịch trình rút quân. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu hôm qua, đã có thêm hai thượng nghị sĩ đứng về phe Dân chủ và giúp đảng này giành chiến thắng với 50 phiếu thuận, 48 chống.
Lãnh đạo phe đa số Thượng nghị sĩ Harry Reid nói, cuộc bỏ phiếu là một bước tiến đáng kể và là thông điệp nhằm thẳng vào Tổng thống Bush. ’’Bằng cuộc bỏ phiếu, thượng viện đã trao cho quân đội nguồn lực họ cần trong chiến đấu, gồm cả chiến lược ở Iraq để xứng đáng với sự hi sinh của họ’’.
Ông Reid nói, ’’Tổng thống phải thay đổi nhiệm vụ và Quốc hội đã tạo cho ông cơ hội để làm việc đó’’.
Tuy nhiên, Nhà Trắng hầu như không có nhượng bộ.
Phó trợ lý báo chí của Tổng thống là Dana Perino nói: ’’Tổng thống Bush rất thất vọng trước quyết định của Thượng viện và ông sẽ phủ quyết. Do đó, đạo luật vừa được thông qua sẽ không có cơ hội thực thi’’.
-
Hoài Linh (Theo BBC, AP)