Làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh đang diễn ra trên toàn nước Mỹ, một số quốc gia châu Âu, châu Á, Trung Đông để đánh dấu 4 năm cuộc chiến Iraq.
Biểu tình tại Malaysia trước cửa sứ quán Mỹ |
Hàng chục nghìn người Iraq và khoảng 3.200 lính Mỹ đã thiệt mạng kể từ khi cuộc chiến lật đổ chính quyền Saddam Hussein do Mỹ lãnh đạo nổ ra hôm 20/3/2003.
Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở Madrid với khoảng 400.000 người. Những người phản đối chiến tranh tràn ngập các đường phố ở thủ đô của Tây Ban Nha, các nhà tổ chức cho hay. Người biểu tình tuần hành tới đài tưởng niệm 191 người thiệt mạng trong các vụ đánh bom tàu hoả hôm 11/3/2004.
Đám đông biểu tình tiến về Lầu Năm Góc |
Đám đông mang theo nhiều biểu ngữ ghi dòng chữ ’’Rút quân khỏi Afghanistan’’ và ’’Zapatero, ông không đơn độc’’ nhằm ủng hộ quyết định rút binh sĩ Tây Ban Nha khỏi Iraq của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero.
Biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các thành phố khác của Tây Ban Nha là Valencia, Sevilla và Barcelona.
Cũng có một nhóm nhỏ ủng hộ chiến tranh đã biểu tình đối chọi với những người phản chiến |
Tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 6.000 người biểu tình đã đổ xuống đường, vẫy cờ và các băng rôn phản đối chiến tranh.
Tuần hành phản chiến cũng diễn ra ở Hy Lạp, Hungary và Cyprus. Tại Hungary, khoảng 2.000 người dân đem theo đuốc diễu hành khắp trong và ngoài thủ đô Budapest.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ |
Qua Đại Tây Dương, hàng chục nghìn người biểu tình đã tập trung tại Washington D.C - thủ đô nước Mỹ. Tại đây, các diễn giả đứng trước đài tưởng niệm Lincoln đã lên án chính sách chiến tranh của chính quyền Tổng thống Bush. Cùng lúc đó, nhiều người khác yêu cầu rút quân Mỹ khỏi Iraq ngay lập tức.
Đem theo các băng rôn ’’Mỹ rời khỏi Iraq ngay bây giờ’’ và ’’Ngừng chiến tranh Iraq, không tiến hành chiến tranh ở Iran, Kết tội’’, người biểu tình đã tuần hành từ khu buôn bán quốc gia, qua cầu tưởng niệm. Một số khác biểu tình gần Lầu Năm Góc.
Hiện không có số liệu thống kê chính thức về số người tham dự nhưng một số bản tin cho hay có 10.000 tới 20.000 người, chưa đầy 1/3 số lượng các nhà tổ chức kêu gọi.
Phản đối chính sách chiến tranh của TT Bush |
Những người hô hào biểu tình hy vọng lượng người tham gia sẽ lớn như cuộc biểu tình năm 1967 - kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Các nhà hoạt động ở Iraq và Hàn Quốc cũng tổ chức biểu tình phản chiến. Tại Sydney, Australia, và Malaysia, Lebanon biểu tình cũng diễn ra rầm rộ trước cửa sứ quán Mỹ và trên đường phố.
Tại Sydney |
Tại Nhật, khoảng 2.000 người biểu tình diễu hành khắp Tokyo, phản đối chiến tranh Iraq và cố gắng sửa hiến pháp hoà bình của Thủ tướng Shinzo Abe. Người biểu tình đem theo băng rôn ’’Hãy ngừng cuộc chiến của Bush’’ và ’’Ngăn chặn sửa đổi hiến pháp’’. Một số khác còn hô vang ’’Lật đổ chế độ Abe’’.
Trước hàng loạt những lời chỉ trích phản đối chiến tranh, Tổng thống Bush hầu như không phản hồi. Người đứng đầu nước Mỹ - nhân vật chủ xướng cuộc chiến Iraq, dành cả hai ngày cuối tuần tại trại David, Maryland.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)