Lần đầu tiên trong lịch sử, Hàn Quốc quyết định chính thức trao 400 triệu won tiền mặt cho CHDCND Triều Tiên để trang bị cho trung tâm đoàn tụ gia đình.
3 người Hàn Quốc Chung Yong-ae, Chung Yong-im và Chung In-gul đang cúi đầu chào anh trai Chung Byong-yun tại CHDCND Triều Tiên qua màn hình TV trong các cuộc đoàn tụ gia đình qua video. |
Năm 2000, Chính phủ Hàn Quốc đã bí mật chuyển 500 triệu won (1USD=945won) cho Bình Nhưỡng trước khi hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 1 diễn ra. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Seoul chuyển tiền cho Bình Nhưỡng theo một thỏa thuận công khai.
''Chúng tôi quyết định cấp cho CHDCND Triều Tiên các vật liệu xây dựng trị giá 3,5 tỷ won để xây dựng một trung tâm đoàn tụ gia đình có đầy đủ các thiết bị quay phim. Trong số các khoản chi cần thiết, chúng tôi đồng ý cấp cho Bình Nhưỡng 400 triệu won tiền mặt'', một quan chức chính phủ Hàn Quốc ngày 11/3 nói.
Theo quan chức này, quyết định trên xuất phát từ việc một số màn hình LCD cần thiết cho trung tâm trên bị cấm xuất sang CHDCND Triều Tiên theo Quy định xuất khẩu của chính phủ Mỹ. Washington cấm xuất khẩu các mặt hàng chứa hơn 10% bộ phận hay công nghệ của Mỹ cho quốc gia bị buộc tội là hỗ trợ khủng bố.
Không phải mọi quan chức chính phủ Hàn Quốc đều hài lòng với quyết định chuyển tiền cho Bình Nhưỡng vì vẫn có cách đề nghị Washington dỡ bỏ lệnh cấm với một số thiết bị.
Một quan chức Hàn Quốc khác cho hay: ''Trong một số trường hợp tương tự, chúng tôi thường thảo luận với Mỹ. Ví dụ, lúc Seoul gửi một số mặt hàng chiến lược cho khu công nghiệp liên Triều Keasong ở CHDCND Triều Tiên''.
Gặp gỡ người thân qua màn hình |
Trong khi đó, một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc lại nói: ''Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực nhân đạo. Chúng tôi đồng ý với CHDCND Triều Tiên rằng Hàn Quốc có thể kiểm tra nước này mua bán các vật liệu đó như thế nào. Do đó, sẽ không có sự nghi ngờ nào về khả năng những thiết bị đó được dùng vào mục đích khác''.
Quan chức trên bóng gió rằng Seoul đã quyết định gửi tiền mặt để giúp các gia đình đoàn tụ qua video. ''Về khu công nghiệp Kaesong thì mọi việc không có vấn đề gì vì người dùng các hàng hóa cuối cùng là doanh nghiệp Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc lần này lại khác. Nếu chúng tôi thương thuyết với Mỹ, họ sẽ cần nhiều thời gian để cân nhắc hoặc chúng tôi sẽ khó đạt được thỏa thuận với Washington''.
Hiện, các tổ chức Chữ thập đỏ ở hai miền Triều Tiên đã nhất trí nối lại việc xây dựng trung tâm đoàn tụ gia đình ở Núi Kim Cương, vốn bị đứt đoạn vào tháng 7 năm ngoái. Theo đó, những phần việc sẽ tiếp tục được triển khai vào ngày 21/3.
-
Hoài Linh (Theo Chosun, AFP)