Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-Hyun hôm 1/3 đã kêu gọi Nhật Bản không nên che đậy quá khứ thời chiến và hành động để giải quyết các tranh chấp.
Học sinh Hàn Quốc vẫy cờ tại Lễ kỷ niệm Phong trào độc lập 1/3 tại Seoul |
Kêu gọi của Hàn Quốc
''Chúng tôi muốn trở thành láng giềng tốt của nhau'', ông Roh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 88 năm cuộc khởi nghĩa bất thành chống lại ách thống trị thuộc địa của Nhật Bản. Ông Roh nói rằng các quan hệ kinh tế và văn hóa đã trở nên mạnh mẽ và hai nước nên cùng đóng góp vào hòa bình và thịnh vượng ở Đông Bắc Á.
''Vì mục đích này, Nhật Bản nên có quan điểm tôn trọng sự thật trong lịch sử và diễn giải sự thật đó như nó vốn có. Nhật nên ngừng che đậy hoặc biện minh cho quá khứ sai lầm của nước này và hành động một cách chân thành, theo lương tâm và các nguyên tắc đã được quốc tế chấp nhận'', ông nói.
Bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, khoảng 20 cựu đặc công Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc biểu tình chống Nhật, cắm dao vào hàm của 5 đầu chó. Những chiếc đầu này tượng trưng cho 5 kẻ phản quốc trong suốt thời gian Hàn Quốc là thuộc địa của Nhật Bản từ 1910 tới 1945.
Người Hàn Quốc có những ký ức cay đằng về thời kỳ nằm dưới sự thống trị của Nhật Bản. Trong thời kỳ đó, Tokyo đã nỗ lực tiêu diệt văn hóa của bán đảo này. Người Hàn Quốc buộc phải chấp nhận các tên Nhật và các tượng đài lịch sử bị phá hoại. Cuộc nổi dậy 1/3/1919 bị quân đội Nhật đàn áp, khiến hàng nghìn người bị thương.
Ông Roh đã hối thúc các lãnh đạo Nhật Bản ngừng tới thăm Yasukuni, đền thờ những người Nhật Bản chết trong chiến tranh, kể cả tội phạm chiến tranh. Ông nói rằng Nhật Bản cũng nên đưa ra lời xin lỗi và bồi thường cho những phụ nữ bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật.
Theo các sử gia, có tới 200.000 phụ nữ, chủ yếu là từ Hàn Quốc và Trung Quốc, đã bị buộc quan hệ tình dục với binh sĩ nhật trong các nhà thổ.
Trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai, hàng chục người Hàn Quốc đã làm lính nghĩa vụ hoặc bị buộc làm việc cho Nhật Bản. Ông Roh cho biết chính quyền của ông đã bắt đầu thực hiện một số bước nhằm bồi thường cho các nạn nhân và tịch thu tài sản mà một số kẻ có được thông qua sự cộng tác với quân đội chiếm đóng.
Trung Quốc và Hàn Quốc coi các chuyến thăm đền của các lãnh đạo Nhật Bản là bằng chứng Nhật Bản vẫn chưa hối lỗi về cuộc xâm lược trong quá khứ. Họ cũng tức giận về việc các cuốn sách giáo khoa Nhật Bản che đậy những hành động tàn bạo thời chiến.
''Những vấn đề như sách giáo khoa, những phụ nữ mua vui cho lính Nhật và các chuyến thăm đền Yasukuni có thể được giải quyết dễ dàng nếu Nhật Bản hành động chân thực'', ông Roh nói.
Lời đáp từ Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, mặc dù là một người cứng rắn về các vấn đề lịch sử, đã nỗ lực sửa chữa các quan hệ với các nước láng giềng kể từ khi nhậm chức vào tháng 9. Ông đã từ chối nói rằng ông sẽ thăm đền Yasukuni hay không. ''Chúng tôi nhất trí về việc Nhật Bản và Hàn Quốc phải xây dựng các mối quan hệ song phương hướng tới tương lai'', ông Abe nói với các phóng viên tại Tokyo, đáp lại những lời nhận xét của ông Roh.
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki cũng thể hiện quan điểm tương tự song bực dọc trước lời phát biểu của ông Roh. ''Tôi nghĩ ngôn từ được sử dụng rất khó nghe'', ông nói.
Tuy nhiên, ông Abe nói rằng không có bằng chứng Nhật Bản ép buộc các phụ nữ châu Á làm việc như nô lệ tình dục trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai, trái ngược với tuyên bố Kono 1993 mà trong đó chính phủ Nhật thừa nhận Nhật Bản đã thành lập và điều hành các nhà thổ phục vụ binh sĩ.
Những lời bình luận của ông Abe trước các phóng viên diễn ra khi một nhóm nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền hối thúc chính phủ xem xét lại tuyên bố Kono. Bình luận của ông Abe chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuyên bố Kono được đưa ra năm 1993 bởi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản lúc đó là Yohei Kono sau khi các tài liệu quốc phòng cho thấy quân đội Nhật Bản đã hợp tác với các nhà thầu độc lập trong suốt chiến tranh để tìm phụ nữ cho các nhà thổ. Tuyên bố này bị những người theo chủ nghĩa dân tộc hữu khuynh ở Nhật Bản tấn công, người cho rằng các nô lệ tình dục tự nguyện làm việc cho các nhà thầu và không bị quân đội cưỡng ép.
Mặc dù đưa ra Tuyên bố Kono song Nhật Bản đã bác bỏ đơn đòi bồi thường của các nô lệ tình dục trước đây, nói rằng những yêu cầu đó đã được giải quyết bởi các hiệp ước hậu chiến.
Thay vào đó, chính phủ Nhật Bản lập một quỹ tư nhân năm 1995, do tư nhân tài trợ. Quỹ này là một cách để Nhật Bản bồi thường cho các nô lệ tình dục, tránh cho chính phủ phải bồi thường chính thức. Nhiều nạn nhân đã bác bỏ quỹ này.
-
Minh Sơn (Theo AFP, AP)