Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế IAEA cho biết, ông đã được mời tới CHDCND Triều Tiên để hội đàm về chương trình hạt nhân của nước này.
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên tới CHDCND Triều Tiên của Giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei. |
Mohamed ElBaradei nói: ông hy vọng sẽ bàn thảo về việc ngừng các hoạt động hạt nhân của Bình Nhưỡng và cuối cùng là tháo dỡ các cơ sở hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice khẳng định, Mỹ “rất hài lòng” trước những dấu hiệu tiến bộ hướng tới mục đích này.
Tại cuộc đàm phán sáu bên hồi đầu tháng, CHDCND Triều Tiên đã đồng ý thực hiện những bước đi đầu tiên hướng tới việc giải giáp hạt nhân. Theo các điều khoản của thỏa thuận, Bình Nhưỡng cam kết đóng cửa lò phản ứng Yongbyon trong vòng 60 ngày để đổi lấy trợ giúp về nhiên liệu.
Hy vọng dỡ bỏ vũ khí
Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ElBaradei tới CHDCND Triều Tiên kể từ khi ông lên nắm giữ chức vụ Giám đốc IAEA năm 1997.
Một phát ngôn viên IAEA cho biết, ông ElBaradei có thể sẽ thực hiện chuyến đi vào tuần thứ hai của tháng 3, tiếp sau cuộc gặp của Hội đồng Điều hành IAEA.
Phát biểu tại
“Theo nội dung bức thư, họ muốn cải thiện và bình thường hóa mối quan hệ với IAEA và hy vọng sẽ được ủng hộ trở thành thành viên của cơ quan này”, trích lời ông ElBaradei.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon - người vừa có cuộc gặp với ông ElBaradei - bày tỏ hy vọng rằng Giám đốc IAEA sẽ có thể thảo luận về “việc dỡ bỏ tất cả các vũ khí và cơ sở hạt nhân” với phía CHDCND Triều Tiên.
Ông tin tưởng rằng chuyến đi của Giám đốc ElBaradei sẽ “đóng góp to lớn” vào việc thực thi thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm sáu bên.
“Dấu hiệu tốt”
Phát biểu với các phóng viên tại Ottawa, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice nói Mỹ rất hài lòng trước lời mời của CHDCND Triều Tiên dành cho Giám đốc IAEA ElBaradei.
IAEA sẽ “có thể xác minh được sự tuân thủ thỏa thuận mà theo đó lò phản ứng ở Bình Nhưỡng sẽ bị đóng cửa và niêm phong trong vòng 60 ngày”, bà Rice nhấn mạnh.
Điều này sẽ cho phép đạt được tiến bộ hướng tới việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân của CHDCND Triều Tiên “theo cách thức hướng tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên”.
Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney trước đó đã đặt câu hỏi liệu CHDCND Triều Tiên có tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân hay không và tuyên bố Mỹ đang tiếp tục “tận mắt theo dõi thỏa thuận này”.
Trong khi đó, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc nói rằng CHDCND Triều Tiên đang cố gắng phát triển một chương trình hạt nhân bí mật thứ hai trên cơ sở làm giàu uranium.
Tuy nhiên, ông Chun Yung-woo nói rằng Bình Nhưỡng không được cho là đang vận hành một hệ thống vào lúc này.
CHDCND Triều Tiên từ lâu bác bỏ các cáo buộc của Mỹ rằng nước này đang xây dựng một chương trình uranium thêm vào nhà máy plutonium mà nước này đã công khai thừa nhận.
Cuộc tranh cãi được xem là trở ngại lớn nhất trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân đầu tháng này. Các nỗ lực nhằm tìm ra một cách giải quyết cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên càng trở nên cấp thiết sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nguyên tử đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái.
-
Thanh Hảo (Theo BBC, AFP)