Hội đàm đa phương về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của CHDCND Triều Tiên tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm nay (11/2) bước sang ngày thứ tư.
>>>Hội đàm 6 bên tiến vào giai đoạn quan trọng
Trưởng đoàn đàm phán Nhật |
Trong ba ngày họp vừa qua, phái viên của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Nga, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã nhất trí đối với phần lớn bản thoả thuận do Bắc Kinh soạn thảo nhưng vẫn còn một điểm mấu chốt mà các bên chưa thể thoả thuận được với nhau.
Bình Nhưỡng hiện đang đối đầu với 5 nước còn lại quanh một đoạn văn bản của tài liệu dự thảo, phái viên Mỹ Christopher Hill nói với các phóng viên trước khi vào họp.
Theo một thành viên phái đoán Nhật, mấu chốt vấn đề hiện nay là đòi hỏi quá mức của Bình Nhưỡng về năng lượng.
Dự thảo đề cập tới việc Bình Nhưỡng ngừng các hoạt động hạt nhân để đổi lấy bảo đảm về an ninh và năng lượng. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ tỏ ra lạc quan song đại diện Nhật và Hàn Quốc còn nghi ngờ về triển vọng các bên sẽ đi tới nhất trí.
Trưởng đoàn đàm phán Nhật Kenichiro Sasae hôm qua (10/2) nói với các phóng viên, ''Chúng tôi không thể đi tới kết luận dù đã tiến hành hàng loạt cuộc gặp song phương lẫn đa phương. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận vào ngày mai. Cuộc thảo luận ngày 11/2 sẽ tập trung vào việc 5 nước sẽ làm gì trong tiến trình phi hạt nhân CHDCND Triều Tiên. Giữa 5 nước có những bất đồng nhưng khác biệt lớn nhất lại nằm giữa 5 nước và CHDCND Triều Tiên''.
Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Mỹ nói, bất đồng chỉ tồn tại ở một hoặc hai mục. ''Tôi không nghĩ đó là vấn đề quan trọng nhất nhưng bạn không thể biết tầm quan trọng của nó với người CHDCND Triều Tiên như thế nào. Chúng ta phải chờ đợi''.
Theo dự thảo thoả thuận, Bình Nhưỡng phải đóng cửa cơ sở liên quan tới hạt nhân chính của nước này, gồm lò phản ứng 5 megawat tại Yongbyon trong vòng 2 tháng để đổi lại nguồn năng lượng thay thế.
Quan chức Mỹ cho hay, thoả thuận lần này rất khác với những gì thương thuyết dưới thời Tổng thống Clinton năm 1994, tờ The New York Times đưa tin.
''Đó là mô hình Libya'', tờ báo trích lời một quan chức cấp cao của Mỹ nói. Theo đó, cuối năm 2003, Libya đã quyết định giao nộp toàn bộ thiết bị mà nước này mua được từ mạng lưới hạt nhân do nhà khoa học Pakistan điều hành. Theo thoả thuận Mỹ - Libya, cả hai phía thực thi một loạt bước để tiến tới việc Libya từ bỏ công nghệ hạt nhân và chấm dứt việc bị cô lập.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)