Phái viên LHQ đã trao cho Tổng thống Serbia đề xuất về tương lai của tỉnh Kosovo, nêu rõ các điều khoản dành cho ''một nhà nước'' do quốc tế giám sát song không đề cập tới từ ''độc lập''.
Lính gìn giữ hòa bình của Pháp tại Kosovo |
Do cựu Tổng thống Phần Lan
Martti Ahtisaari soạn thảo, kế hoạch trên kêu gọi một Kosovo đa sắc tộc, tự trị dân chủ và tôn trọng đầy đủ pháp quyền. Kế hoạch khuyến nghị tỉnh này thông qua hiến pháp riêng, được quyền đàm phán, ký kết các hiệp ước quốc tế, trong đó có quyền trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế.Kế hoạch đề xuất thiết lập một đại diện quốc tế để giám sát công việc hàng ngày ở Kosovo, thành lập lực lượng an ninh Kosovo gồm 2.500 người do NATO giám sát. Người Serbia thiểu số tại Kosovo, chừng 100.000 người, có quyền quản lý 6 thành phố và tiếng nói lớn hơn trong các hệ thống giáo dục đại học và y tế. Họ cũng được trao quyền tự trị lớn về các vấn đề tài chính, trong đó có khả năng nhận tài trợ từ Serbia.
Kế hoạch sau đó sẽ được trao cho giới lãnh đạo Albania ở Kosovo và cần sự thông qua của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngay lập tức, Tổng thống Serbia đã thẳng thừng bác bỏ kế hoạch này, nói rằng kế hoạch mở đường cho sự độc lập của Kosovo. Serbia và ông, với tư cách là Tổng thống, sẽ không bao giờ chấp nhận Kosovo độc lập. Ông nói thêm rằng kế hoạch này sẽ ''đặt ra một tiền lệ luật pháp và chính trị cực kỳ nguy hiểm''.
Một nhà ngoại giao phương Tây nói rằng kế hoạch của ông Ahtisaari chung quy là độc lập dành cho Kosovo song nằm dưới sự giám sát của quốc tế. Còn ông Ahtisaari cho biết kế hoạch này là sự thỏa hiệp giữa khát vọng muốn Kosovo độc lập của người Albania và mong muốn của Serbia muốn giữ tỉnh này là một phần lãnh thổ của Serbia
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Serbia Tadic hôm 2/2, ông Ahtisaari đã từ chối tiết lộ liệu đề xuất của ông có dẫn tới sự độc lập của Kosovo hay không. Ông nói rằng có thể phải tổ chức các cuộc hội đàm giữa các bên trong tháng này và đề xuất hiện này mới chỉ là dự thảo, chưa phải là đề xuất cuối cùng.
Kosovo nằm dưới sự quản lý của LHQ kể từ năm 1999 tới nay. Người Albania, chiếm 90% trong tổng số 2 triệu dân Kosovo, đã bác bỏ đề nghị của Serbia là tự trị trong đường biên giới của nước này và đòi độc lập hoàn toàn.
Các nhà ngoại giao đã cảnh báo kế hoạch trên sẽ làm cho cả hai phía thất vọng. ''Người Serbia sẽ phải chấp nhận mất Kosovo... Người Albania chiếm đa số ở Kosovo sẽ phải chấp nhận sự hiện diện tiếp tục của quốc tế, các hạn chế lớn về chủ quyền của họ cũng như quyền dành cho người Serbia ở Kosovo'', một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết.
Liên minh châu Âu đã kêu gọi các quan chức Serbia và Albania ở Kosovo thảo luận kế hoạch này một cách nghiêm túc.
Nếu kế hoạch này cuối cùng được Hội đồng Bảo an thông qua, nó sẽ là chỗ dựa để Mỹ và các nước khác chính thức công nhận độc lập của Kosovo. Tuy nhiên, có lo ngại rằng kế hoạch này có thể gây căng thẳng giữa Mỹ - nước ủng hộ một Kosovo độc lập - và Nga - liên minh truyền thống của Serbia. Thủ tướng Serbia Kostunica đã đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Kosovo là một quốc gia độc lập.
Tổng thống Kosovo, Fatmir Sejdiu, đã hoan nghênh kế hoạch trên, nói rằng các lãnh đạo Kosovo tin tưởng tiến trình này sẽ giúp Kosovo trở thành một nhà nước độc lập.
-
Minh Sơn (Theo AP, BBC)