221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
894216
Căng thẳng Mỹ-Iran có thể bùng nổ thành chiến tranh
1
Article
null
Căng thẳng Mỹ-Iran có thể bùng nổ thành chiến tranh
,

Viện dẫn sự liên quan của Iran đối với lực lượng nổi dậy ở Iraq và tham vọng hạt nhân của nước này, Chính quyền Tổng thống Bush vừa chuyển sang thế tấn công trong cuộc đối đầu với nước CH Hồi giáo: Tăng cường quân sự ở Vùng Vịnh và tuyên bố có nhiều hành động cứng rắn hơn nữa nhằm vào các mật vụ Iran ở Iraq và Lebanon. 

Iran phóng thử tên lửa tầm xa hồi tháng 11.

Cuộc chiến ngầm giữa Mỹ và Iran có thể bùng nổ thành một cuộc chiến tranh công khai ngay khi có một động thái sơ suất nào đó, giới phân tích và các quan chức quân sự Mỹ cảnh báo.

Chiến trường thử nghiệm

Iraq vốn đã trở thành một chiến trường thử nghiệm giữa Washington và Tehran. Điều đó gây lo lắng cho Thủ tướng người Shiite của Iraq, chính trị gia được lòng Mỹ song cũng có quan hệ thân thiết với Iran.

Vào ngày 20/1, các tay súng Iraq đã
bắt cóc và giết chết 4 binh sĩ Mỹ trong một cuộc tấn công chớp nhoáng ở Karbala và người lính thứ 5 bị giết trong một cuộc đọ súng. Vụ việc được lên kế hoạch hoàn hảo đến nỗi giới chức Iraq nghi ngờ Tehran có thể đã tham gia để trả thù vụ quân đội Mỹ bắt giữ 5 công dân Iran ở miền bắc Iraq trước đó.

Đại sứ Mỹ Zalmay Khalilzad khẳng định trong số 5 đối tượng bị bắt có hai thành viên của lực lượng Bảo vệ Cách mạng Iran chuyên cung cấp vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ cho các tay súng Shiite ở Trung Đông. Trong khi đó, các nhà chức trách Iran và Iraq khẳng định họ là nhà ngoại giao. 

Kể từ sau cuộc tấn công ở Karbala, Mỹ đã tăng cường lời đe doạ. Tuần trước Tổng thống Bush nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ ở Iraq sẽ hành động chống lại các điệp viên Iran ở quốc gia này mặc dầu ông khẳng định không có ý định tấn công Iran. 

"Nếu Iran leo thang hành động quân sự của họ ở Iraq nhằm gây phương hại đến binh sĩ của chúng tôi và/hoặc người dân Iraq vô tội, chúng tôi sẽ có phản ứng cứng rắn", trích lời ông Bush trên Đài Phát thanh Quốc gia. 

Chính quyền Mỹ từ lâu vẫn khẳng định Iran đang cung cấp vũ khí và đào tạo các tay súng nổi dậy ở Iraq.

Tướng cấp cao thứ 2 của Mỹ ở Iraq trả lời phỏng vấn của tờ Nước Mỹ Ngày nay (USA Today) số ra hôm 30/1 rằng Iran đang tuồn cho lực lượng nổi dậy Shiite ở Iraq nhiều vũ khí mạnh, trong đó có loại rocket Katyusha. "Chúng tôi có các vũ khí mà chúng tôi biết qua số serie... có dấu vết từ Iran", Trung tướng Raymond Odierno nói.

Thế đối đầu

Tờ Thời báo Los Angeles dẫn lời các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc đưa tin, Không lực Mỹ hiện hiện đang cân nhắc khả năng tăng cường tuần tra ở vùng biên giới giữa Iraq và Iran để ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí. 

Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện của quân đội ở Vùng Vịnh trong cái mà họ gọi là phô trương sức mạnh trực tiếp trước Iran. Hàng không mẫu hạm thứ hai của Mỹ đang trên đường tới khu vực và các tên lửa Patriot đang được triển khai. 

Tổng thống Mỹ George W. Bush: Thất bại ở Baghdad là do thiếu quân

Kể từ khi Mỹ công bố chiến lược mới của mình ở Iraq vào đầu tháng 1, các nhà chức trách Iran đã liên tục cảnh báo rằng Mỹ có ý định tấn công. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Tehran "sẵn sàng cho bất cứ điều gì" trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Một tờ báo thân cận với lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuần trước đề cập một sự trả đũa đối với bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ - trong đó có việc chặn đứng tuyến dầu lửa qua Eo biển Hormuz và tấn công vào các lợi ích của Mỹ. Biên tập viên hàng đầu của Nhật báo Kayhan cảnh báo Iran sẽ biến Trung Đông thành "địa ngục" của Mỹ và Israel nếu Washington tấn công. 

Iran và Mỹ cũng đang ở thế đối đầu quanh chương trình hạt nhân của Tehran. Mỹ cáo buộc nước Cộng hoà Hồi giáo bí mật phát triển vũ khí nguyên tử - một lời cáo buộc mà Iran cương quyết phủ nhận. Việc nước này từ chối ngừng làm giàu uranium đã khiến cho Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt các lệnh cấm vận kinh tế có giới hạn. 

Mỹ cũng đang nỗ lực ủng hộ cho chính phủ non trẻ ở Lebanon trong cuộc đấu tranh giành quyền lực với Hezbollah, lực lượng du kích mà Mỹ cáo buộc hành động vì lợi ích của Iran. 

Cuộc khẩu chiến đã dấy lên những lo ngại trong nội bộ cả Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ ở Quốc hội về việc Washington và Tehran đang hướng tới một cuộc xung đột vũ trang vào thời điểm mà nước Mỹ đang phải đấu tranh chống các kẻ thù ở Iraq và Afghanistan.

"Cái mà tôi nghĩ rất nhiều người trong chúng ta quan tâm là việc chúng ta trượt sâu vào các hành động thù địch với Iran mà không tích cực theo đuổi các biện pháp ngoại giao", Thượng nghị sĩ Barack Obama nhận xét. 

Điều này cũng gây lo lắng cho chính phủ Iraq với nhiều thành viên có quan hệ thân thiết với Iran.

"Chúng tôi đã nói với người Iran và người Mỹ rằng 'Chúng tôi biết giữa các bạn có vấn đề nhưng chúng tôi đang yêu cầu các bạn hãy giải quyết các vấn đề của mình bên ngoài Iraq"', trích lời Thủ tướng Nouri al-Maliki khi trả lời phỏng vấn của hãng tin CNN hôm qua.
"Chúng tôi không muốn quân đội Mỹ coi Iraq là căn cứ tấn công Iran.... Chúng tôi sẽ không chấp nhận Iran dùng Iraq để tấn công quân Mỹ. Nhưng liệu điều này có thật không? Có thật và tôi cam đoan với các bạn như vậy".

Tình huống nguy hiểm

Và khi cuộc khẩu chiến leo thang, một quan chức quân đội Mỹ ở Vùng Vịnh còn ví sự đối đầu giữa Mỹ và Iran với sự thù địch ở châu Âu trước Thế chiến II khi vụ ám sát người thừa kế ngai vàng Áo gây ra một cuộc chiến thảm khốc nhấn chìm một lục địa.

"Có thể mắc một sơ suất nào đó và bạn có thể kết thúc theo cách mà chẳng bên nào thực sự mong muốn, và đột nhiên toàn bộ sự kiện tháng 8/1914 lặp lại", một sĩ quan quân đội Mỹ giấu tên nhận định. "Tôi thực sự tin chẳng bên nào muốn chiến tranh". 

Các tàu tuần tra bờ biển của Iran gần đây đã đổi hướng vào các vùng lãnh hải phía Ảrập ở Vùng Vịnh, một sự kiện có thể được xem như hoặc sơ xuất hoặc khiêu khích. Cả hai bên đều đang ruột gan như lửa đốt. "Một con tàu vượt qua giới tuyến... nhưng điều đó có nghĩa gì. Bạn đã quá chú tâm đến phản ứng thái quá", viên sĩ quan trên nói. 

Thậm chí nếu Iran rút khỏi cuộc xung đột ở Iraq thì cũng khó có thể khiến cho tình trạng bạo lực ở quốc gia này chấm dứt - Kenneth M. Pollack, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Saban chuyên về các chính sách Trung Đông, nhận xét. 

"Sự thật là Iraq là một chiến trường hỗn độn. Nước này đang ở trong tình trạng nội chiến mức thấp. Và tất cả các nhóm ở đó đều có động cơ riêng", ông Pollack nói trên trang web của Hội đồng Các qan hệ ngoại giao.
"Nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu quy kết trách nhiệm cho Iran". 

Tại Tehran, chuyên gia phân tích chính trị Hermidas Bavand cho rằng việc Mỹ tăng cường quân sự sẽ khiến nhiều người Iran tin rằng Washington đang cân nhắc tiến hành một cuộc chiến tranh. "Đây là một tình huống hết sức nguy hiểm. Tôi không nghĩ Tehran muốn chiến tranh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng có thể một sự kiện vô tình sẽ leo thang thành một cuộc đối đầu lớn". 

  • Thanh Hảo (Theo AP)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,