(VietNamNet) - Nếu hành động bảo vệ khí hậu được đưa vào lịch thi đấu của Olympic, sẽ không một quốc gia nào giành được huy chương. Nguyên nhân là nỗ lực hiện nay nhằm ngăn chặn sự thay đổi khí hậu là chưa đủ.
|
|
Ông Matthias Duwe, Giám đốc Mạng lưới hành động khí hậu châu Á đưa ra nhận xét trên hôm 13/11 tại Hội nghị thay đổi khí hậu LHQ diễn ra tại Nairobi, Kenya. Nhận xét này hoàn toàn có cơ sở bởi những nước thải nhiều khí nhà kính trong nhóm 56 quốc gia phát triển và đang công nghiệp hóa nhanh không tiến lên mà thậm chí còn tụt lùi trong nỗ lực bảo vệ khí hậu trái đất.
Theo Chỉ số thành tích thay đổi khí hậu 2007 (Climate Change Performance Index - CCPI) do GermanWatch - một tổ chức phát triển và môi trường hàng đầu của Đức công bố tại hội nghị, hai nước từ chối tham gia Nghị định thư Kyoto là Australia và Mỹ đứng thứ 47 và 53 trong tổng số 56 nước.
''Nếu Mỹ, hiện nằm trong số 5 nước đội sổ theo đuổi một lập trường khí hậu quốc tế tích cực giống như Anh, nước này sẽ tiến thêm 30 bậc'' Christoph Bals, Giám đốc chính trị của GermanWatch cho biết. Bảy nước châu Âu, đứng đầu là Thụy Điển, và thứ 2 là Anh cùng ba nước đang công nghiệp hóa nhanh (Argentina, Brazil va An Do) lọt vào top 10 trong bảng xếp hạng CCPI 2007.
Chỉ số CCPI so sánh các nỗ lực bảo vệ khí hậu của 56 quốc gia chiếm hơn 90% tổng lượng thải CO2 toàn cầu. Ngoài việc xem xét lượng khí phát thải, CCPI còn phân tích các xư hướng phát thải, đánh giá các chính sách khí hậu ở cấp quốc gia và quốc tế của mỗi nước.
Nghị định thư Kyoto yêu cầu 35 nước công nghiệp và cộng đồng châu Âu giảm lượng khí nhà kính phát thải trung bình 5%, dưới mức 1990, trong giai đoạn 2008-2012. Tuy nhiên, theo dữ liệu do UNESCO công bố, lượng khí thải CO2 của thế giới trong giai đoạn 2000-2005 cao gấp 5 lần so với giai đoạn 1990-2000.
Phát biểu tại cuộc họp chiều 13/1, ông Yvo de Boer, Thư ký điều hành UNFCCC, cho biết, Hội nghị thay đổi khí hậu LHQ, diễn ra tại Nairobi từ 6-17/11 đang đạt được những kết quả tích cực trong các cuộc thảo luận về cách quản lý Quy thích ứng, nâng cao hiệu quả của Cơ chế phát triển sạch (CDM) cũng như giải quyết những trở ngại chính để các nước châu Phi có tham gia thành công vào cơ chế này.
CDM cho phép các nước công nghiệp là thành viên của Kyoto đầu tư vào các dự án phát triển bền vững tại các quốc gia đang phát triển. Lượng khí thải mà các dự án này giảm bớt là hàng hóa trong thị trường buôn bán khí thải CO2.
Hiện có 375 dự án CDM đã được đăng ký với tiềm năng giảm trên 600 triệu tấn khí thải. Một phần tiền thu được từ CDM sẽ được đầu tư cho Quỹ thích ứng. Quỹ này tài trợ cho các dự án và chương trình thích ứng với sự thay đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.
-
Minh Sơn (từ Kenya)