Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu chính thức khai mạc hôm 6/11 tại Nairobi, Kenya, để thảo luận về tương lai sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực năm 2012.
Các quốc gia mà lãnh đạo của họ đã ký Nghị định thư song quốc hội lại chưa phê chuẩn - đặc biệt là Australia và Mỹ - sẽ chịu áp lực lớn tại phiên họp thứ 12 này của Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về thay đổi khí hậu (UNFCCC).
Tại hội nghị, các chuyên gia sẽ đưa ra đánh giá khoa học mới nhất về thay đổi khí hậu cũng như những thiệt hại do sự thay đổi này. Một nghiên cứu của chính phủ Anh dự báo thiệt hại do thay đổi khí hậu gây ra sẽ tương đương 5-20% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu mỗi năm.
Ngoài ra, hội nghị tiếp tục bàn bạc 2 vấn đề lớn: mức cắt giảm khí nhà kính sau năm 2012 sẽ là bao nhiêu và liệu các nước đang phát triển lớn như Trung Quốc và Ấn Độ có buộc phải cắt giảm hay không.
Tiến trình thảo luận về các hành động toàn cầu chống thay đổi khí hậu sau năm 2012 bắt đầu từ tháng 5. Liên minh châu Âu và Nhật Bản muốn các mục tiêu trung hạn chặt chẽ. Anh vừa đề xuất EU chấp nhận một mục tiêu trung hạn giảm 30% lượng khí thải nhà kính tới năm 2020. Tuy nhiên, Mỹ và Australia, vẫn phản đối kịch liệt mọi cuộc đàm phán về mục tiêu.
Tổ chức khí tượng thế giới cho biết lượng khí CO2 đã tăng 0,5% trong năm 2005 và sẽ không bắt đầu giảm trừ khi có một cam kết mạnh mẽ hơn Nghị định thư Kyoto. Đạt được sau các cuộc đàm phán gay go, Kyoto có hiệu lực từ tháng 2/2005. Theo Nghị định thư này, 35 nước công nghiệp đã cam kết tới năm 2012 giảm trung bình khoảng 5% lượng khí phát thải hàng năm so với mức phát thải của họ vào năm 1990.
Hội nghị thượng định này cũng sẽ thảo luận những cách thức mà các nước đang công nghiệp hóa nhanh như Ấn Độ, Trung Quốc và Brazil có thể giảm thiểu thiệt hại do phát triển kinh tế gây ra đối với môi trường. Hội nghị diễn ra cùng lúc với Phiên họp thứ hai của Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Kyoto về khí thải nhà kính, cũng tại Nairobi, từ 6 tới 17/11.
Hội nghị sẽ tìm cách điều chỉnh Cơ chế phát triển sạch (CDM) - một trong hai kế hoạch của Nghị định thư Kyoto - để các nước châu Phi có thể tiếp cận nhiều hơn với CDM. Một chương trình 5 năm cũng sẽ được soạn thảo để giúp các nước nghèo thích ứng với sự thay đổi khí hậu thông qua một quỹ. Kinh phí của quỹ này sẽ được lấy từ tiền thu được của CDM.
Một báo cáo mới của UNFCCC, được công bố trước thềm hội nghị, đã dự báo về những tác động thảm khốc của thay đổi khí hậu đối với châu Phi. Sản lượng các cây trồng lớn như ngô, kê và lúa mién sẽ giảm trong khi các thành phố như Lagos, Dar-es-Salaam và Cape Town có thể biến mất do mực nước biển tăng. Chính vì vậy, các biện pháp giúp đỡ châu lục này chống lại tác động của thay đổi khí hậu đối với xã hội, nền kinh tế và cơ sở hạ tầng được coi là rất cấp thiết.
-
Minh Sơn (Theo BBC, AFP, AP)