Trong nhiều năm, đời tư của các chính trị gia Pháp vẫn được coi là "bất khả xâm phạm". Thậm chí các vụ bê bối tình ái ở những cấp cao nhất luôn bị bưng bít. Tuy nhiên, hiện nay cả hai ứng cử viên tổng thống tiềm năng Nicolas Sarkozy và Ségolène Royal đang hé lộ những bí mật với hy vọng sẽ thắng cử.
Marc Dolisi, 48 tuổi, phó tổng biên tập tờ báo lá cải Pháp VSD đang ngồi tại bàn làm việc của mình, hoan hỉ cầm trên tay một ấn bản báo có ảnh bìa khắc hoạ một người phụ nữ trong bộ bikini màu xanh lam. Dolisi tươi cười nói : "Đây là ấn bản bán chạy nhất trong ba năm của chúng tôi."
Người phụ nữ được đăng hình trên trang bìa là Ségolène Royal, 53 tuổi (mặc dù trong ảnh cô có vẻ không già đến như vậy). Royal đã là mẹ của 4 đứa con và là một chính trị gia thuộc đảng Xã hội đang nuôi tham vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp. Rõ ràng là người phụ nữ này đang làm bất cứ thứ gì trong khả năng có thể để thực hiện mục đích đó. Với đôi tay mảnh mai nắm chặt chiếc phao bơi màu xanh, Royal hầu như có thể được coi là hiện thân của Demi Moore trên bãi biển.
Trong bức ảnh còn có một người đàn ông đang mặc chiếc quần soóc bơi màu đen, đeo máy nghe nhạc i-Pod, đang chạy tập thể dục trên bãi biển. Tên người đàn ông đó là Nicolas Sarkozy - một nhà chính trị cũng rất muốn trở thành lãnh đạo đất nước. Trông Sarkozy giống Popeye (một nhân vật thuỷ thủ trong phim hoạt hình).
Dưới bức ảnh là dòng chữ chú thích màu đỏ "Duel au soleil" ("Cuộc tỉ thí tay đôi dưới ảnh mặt trời").
Dolisi quả quyết rằng việc công bố các bức ảnh về kì nghỉ của hai nhân vật trên trong cùng một ấn bản báo là đúng. Bởi vì, theo lời phó tổng biên tập tờ VSD, "Ségolène" và "Sarko" từ lâu đã tạo được một hình ảnh mà người dân Pháp gọi là "rất công chúng".
Phá vỡ một điều cấm kỵ
Royal và Sarkozy là hai chính trị gia đầy tham vọng. Họ đã kín đáo khởi xướng việc đưa những thủ thuật trong công nghệ kinh doanh giải trí vào nghề nghiệp của mình, tạo ra những tuyên bố chính trị mê hoặc và sử dụng đời sống riêng tư để tạo chỗ đứng trong lòng công chúng. Và khi làm như vậy, họ đã phá vỡ một điều cấm kỵ ở Pháp.
Theo Dolisi, có nhiều lí do hợp lí để mua những bức ảnh chụp trộm Royal từ các tay paparazzi, ngay cả khi phải đối mặt với nguy cơ bị kiện. Người từng có thâm niên 6 năm làm việc cho tạp chí nổi tiếng hào nhoáng, phát hành hàng tuần Paris Match khẳng định : "Cho đến tận gần đây ở Pháp, chúng tôi vẫn phải tuân thủ và không ai dám vượt qua giới hạn này (không soi mói đời tư của các chính trị gia). Tuy nhiên, Royal và Sarkozy đơn giản đã phá bỏ nó."
Tiến tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2007, Pháp đang được tiếp cận với một kiểu chiến dịch vận động tranh cử đã rất phổ biến ở Đức nhờ cựu Thủ tướng Gerhard Schröder và ở Anh nhờ Thủ tướng Tony Blair : giành chiến thắng bằng cách chính trị hoá đời sống cá nhân.
Sarkozy và Royal từ lâu đã "vô cùng hào phóng" khi công khai những bí mật đời tư trước công chúng. Người dân Pháp hiện đã tường tận về cách Royal trải qua thời kì làm mẹ (ngay sau khi sinh nở, cô đã cho phép các phóng viên chụp cảnh mình đang nằm trên giường cùng đứa con mới chào đời, một bên là tài liệu công việc), những nguyên tắc chi phối đời sống lứa đôi của cô ("chúng ta là hai người tự do"), phương pháp giúp cô chống lại việc tích tụ lớp mỡ thừa trong cơ thể (tập môn aerobics dưới nước) và cửa hàng mua sắm quần áo yêu thích của cô (Paule Ka ở khu phố thời trang Saint-Germain-des-Prés).
Còn đối với Sarkozy, công chúng Pháp biết rằng vợ của chính trị gia này thường hướng ông đi ngủ sớm (tốt nhất là vào khoảng 10 giờ tối). Thức ăn ông thường lựa chọn khi đi du lịch là sữa chua hoa quả (Jockey là nhãn hiệu yêu thích), và cách ông đã "an ủi" bản thân bên cạnh một nữ ký giả da màu trẻ trung từ tờ Le Figaro như thế nào sau khi hay tin vợ đã "quan hệ" với một người đàn ông khác trong nhiều tháng.
Bàng quan
Vụ chia tay - tái hợp giữa Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy và vợ rất thu hút sự quan tâm của công chúng |
Người Pháp hiện đã quen với kiểu phô trương như thế này. Đã từng có một luật bất thành văn kéo dài hàng thập niên rằng báo chí không được phép bới móc đời tư của các chính trị gia, ngay cả đối với nhiều vụ ngoại tình của các tổng thống Pháp. Tất cả đều biết cựu Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing có vô số nhân tình nhưng không ai viết về điều đó.
Ở Paris từng loang ra tin đồn rộng rãi rằng vào cái đêm Công nương Diana của nước Anh tử nạn, người ta không thể liên lạc được với Tổng thống Jacques Chirac ở điện Elysée vì ông đang qua đêm cùng người tình của mình. Tuy nhiên, không ai để tâm.
Vào năm 1994, khi chuyện cựu Tổng thống François Mitterrand đã sống "cuộc sống kép" suốt hai thập kỉ và tiếp tục chu cấp cho gia đình thứ hai vỡ lở, không có bất kỳ sự phản đối kịch liệt nào từ phía công chúng.
Ngược lại, người dân đã chấp nhận sự hiện diện của Mazarine - cô con gái "ngoài giá thú" sinh năm 1974 của ông Mitterand với sự cảm thông và khoan dung lẫn lộn. Công chúng Paris dường như cũng thản nhiên trước một sự thật "kỳ lạ" là Mazarine cùng mẹ của cô, bà Anne Pingeot, đã sống trong một căn hộ sang trọng, xa hoa ở thủ đô dưới sự đài thọ của chính phủ và sự bảo vệ an ninh suốt ngày đêm.
Tất cả các toà báo ở Paris đều không lạ gì mối quan hệ "vụng trộm" của ông Mitterand cũng như sự tồn tại của đứa con rơi. Nhưng không ai viết về điều đó.
Khi hồi tưởng lại chuyện này, Hervé Martin từ tờ Canard enchaîné chuyên đăng tải những bài trào phúng bạo gan, nhận định : "Đó là một sai lầm, bởi vì ông Mitterand đã dâng hiến những nguồn lực chính phủ đáng kể cho con gái mình. Chúng tôi đáng lẽ đã phải viết về nó, nhưng chúng tôi thậm chí đã không hề thảo luận về điều đó."
Thậm chí ở điện Elysée có hẳn một ban chuyên trách báo cáo mọi việc với Bộ Quốc phòng đã được giao nhiệm vụ che giấu những bí mật về cô con gái rơi của tổng thống. Bản thân ông Mitterand cũng ý thức được rằng hàng trăm cuộc điện thoại đã bị nghe trộm vì mục đích này, kể cả các cuộc trò chuyện của nhiều người với một phóng viên - một vụ bê bối mà 12 quan chức chính phủ đã phải ra đối chất trước toà 20 năm sau đó.
Thú nhận gặp trắc trở hôn nhân
Theo truyền thống, người Pháp thường thích các lãnh đạo thể hiện phẩm chất đại trượng phu khi còn đương nhiệm. Ở Pháp, những giao thiệp "không đứng đắn" như mối quan hệ giữa Bill Clinton - Monica Lewinsky từng không bao giờ biến thành một vụ bê bối quốc gia. Và người Pháp đã luôn luôn cảm thấy tự hào về điều đó.
Dẫu vậy, hiện nay, mọi thứ dường như đã thay đổi ở Pháp và những luật lệ, quy tắc ngày hôm qua không còn được được áp dụng nữa. Khi "sự phô trưởng (kiểu) Sarko" cạnh tranh với "hội chứng Royal", một xu hướng mới đã nảy sinh trong chính trường : đại chúng hoá. "Rốt cuộc, tổng thống cũng chỉ là một con người." Dolisi nói.
Một trong những sự kiện bước ngoặt, đánh dấu sự phát triển của xu hướng này xảy ra vào ngày 16/5/2005, khi Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy thú nhận trên chương trình tin tức buổi tối của Pháp rằng đang vấp phải những trục trặc nghiêm trọng trong cuộc hôn nhân của mình. Ông thổ lộ với công chúng Pháp : "Cũng giống như hàng triệu gia đình khác, (vợ chồng) chúng tôi hiện đang bất hoà."
Bốn ngày trước đó, Cécilia - vợ của ông thông báo với ông rằng trong cuộc đời của bà còn có một người đàn ông khác - một giám đốc quảng cáo có tên Richard Attias. Ông Sarkozy đã quyết định chia sẻ những rắc rối của mình với hàng triệu khán giả xem truyền hình Pháp. Ông muốn chứng tỏ cho họ thấy rằng mặc dù gặp chuyện không vui, ông vẫn có thể giữ bình tĩnh, và rằng ông là người biết cái gì đáng để chịu đựng.
Ba tháng trước, vào ngày 25/8, tờ Paris Match đã mạo hiểm vượt qua ranh giới vô hình để thâm nhập vào đời tư của ông Sarkozy khi cho đăng tải một bức ảnh về vợ ông cùng người tình mới ở New York ngay trên trang bìa. Đó là số phát hành bán chạy nhất của tờ tạp chí này kể từ cái chết của cố giáo hoàng John Paul II.
Ban đầu, "Sarko" dự định phá bỏ điều cấm kỵ khi nhận ra rằng làm như vậy có thể tăng cường triển vọng chính trị cho bản thân. Nhưng lần này, ông có vẻ kém vui hơn.
Vào cuối mùa hè năm 2005, các tay săn ảnh (paparazzi), cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư, đã bắt đầu ghi lại những khoảng khắc yêu đương của ông Sarkozy. Khi bộ trưởng nội vụ tay trong tay đi mua sắm thiết bị gia đình trong một cửa hàng điện tử cùng một nữ kí giả trẻ trung, các khách hàng tại đây lập tức chớp lấy những hình ảnh về vị chính trị gia cùng người phụ nữ này bằng điện thoại di động của họ - một việc mà họ chỉ thường làm đối với các ngôi sao giải trí lớn như nam diễn viên Gérard Depardieu.
Những điều chưa xác thực
Cécilia chính thức quay về với Nicolas vào tháng 6 vừa rồi, gây ra hiện tượng bùng nổ những tít giật gân trên báo chí, từ "Sự chiến thắng của tình yêu" cho tới "Mùa hè của sự tha thứ". Kể từ đó, ứng cử viên tổng thống cùng vợ của ông ta lần được chụp hình đang đi dạo thơ thẩn trong những đôi ủng cao su hoặc bơi thuyền độc mộc qua vùng Guiana của Pháp (ở Đại Tây Dương). Thực tế thì ông Sarkozy thậm chí đã gửi các lời mời cá nhân tới cánh phóng viên, đề nghị họ chụp lưu giữ niềm hạnh phúc hôn nhân được nhen nhóm lại của ông.
Cùng lúc đó, một biên tập viên lâu năm, người chịu trách nhiệm về bức ảnh chụp vợ ông Sarkozy cùng gã tình nhân đã buộc phải dọn bàn làm việc, "cuốn gói" khỏi trụ sở Paris Match. Người ta đồn đại rằng điều này xảy ra sau khi bộ trưởng nội vụ Sarkozy yêu cầu chủ bút Arnaud Lagardère - một trong những "đại gia" hùng mạnh nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng và truyền thông ở Pháp, sa thải người biên tập đó. Ông Sarkozy và ông Lagardère vốn dĩ cũng là bạn của nhau.
Chính trị, kinh doanh và truyền thông ở Pháp thậm chí được đánh giá là đan quyện vào nhau một cách phức tạp hơn ở bất kì một quốc gia nào khác, tạo nên một hệ thống lệ thuộc và ưu đãi. "Đôi khi xảy ra hiện tượng người ta che chở lẫn nhau," tờ Canard enchaîné viết.
Vài tháng trước, ấn phẩm trào phúng Canard enchaîné cũng cho công bố hoá đơn tiền phòng một đêm của Ngoại trưởng Philippe Douste-Blazy ở một khách sạn Morocco. Ông Douste-Blazy và người nữ đồng hành đã đi nghỉ và thuê một phòng trên tầng 4 của khách sạn "La Mamounia" sang trọng ở Marrakech. Điểm đáng nói ở đây là hai người đã lao vào một cuộc cãi vã căng thẳng và dường như đã phá huỷ nhiều đồ đạc trong phòng. Theo tờ Canard enchaîné, thiệt hại lên tới hơn 30.000 Euro. Chính phủ Moroco dường như đã đứng ra đền bù cho khách sạn. Về phần mình, sau khi nhanh chóng rời khỏi Morocco, ông Douste-Blazy, đương nhiên đã bác bỏ sự cố này.
Tuy nhiên, Hervé Martin của tờ Canard enchaîné khẳng định : "Chúng tôi có bằng chứng rõ ràng. Và đó là lí do tại sao chúng tôi đăng tải câu chuyện này. Có lẽ chúng tôi đã từng không làm vậy trong quá khứ."
Trong bầu không khí mới và cá nhân hoá nhiều hơn, chiến dịch tranh cử ghế tổng thống Pháp hứa hẹn sẽ tạo ra một chuẩn mực giá trị giải trí nào đó. Marc Dolisi - Phó tổng biên tập tờ VSD tuyên bố : "Không còn nghi ngờ gì về việc chúng tôi sẽ khám phá ra mọi thứ. Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem liệu ông Sarkozy và vợ có thực sự yêu nhau hay bà Cécilia trở về chỉ vì những lí do chiến lược nào đó. Và chúng tôi sẽ tìm hiểu xem bà Ségolène Royal và (chủ tịch đảng Xã hội) François Hollande có là một cặp đôi thực sự hay họ sống chung chỉ vì cố giữ thể diện."
Chính trị hoá đời tư đều có những cạm bẫy riêng của nó. Ví dụ, nếu những gì giới truyền thông khắc hoạ về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc của một hoặc cả hai ứng viên tổng thống hoá ra chỉ là nguỵ tạo thì cử tri sẽ không còn phản ứng thân thiện nữa. Và đó sẽ không phải vì người Pháp cảm thấy những cuộc "hẹn hò ngoài hôn nhân" không thường xuyên là có vấn đề về mặt đạo đức; mà đó là vì, công chúng Pháp, giống như phần còn lại ở Châu Âu, không thích bị phỉnh lừa.
-
Thanh Bình (Theo Spiegel)