Nhà Trắng tuyên bố, vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã cấu thành nên ''hành động khiêu khích'' và Washington mong chờ Hội đồng Bảo an sẽ có hành động lập tức.
Mỹ
"Tình báo Mỹ và Hàn Quốc đã phát hiện ra sóng rung chấn vào Chủ nhật ở một địa điểm nghi ngờ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên'', phát ngôn viên Nhà Trắng Tony Snow cho biết. "CHDCND Triều Tiên (DPRK) cũng đã xác nhận thực hiện vụ thử hạt nhân dưới mặt đất. Vụ việc này cấu thành nên hành động khiêu khích, thách thức cộng đồng quốc tế và nỗ lực của chúng ta trong việc kêu gọi kiềm chết mọi hành động có thể gia tăng sự căng thẳng ở đông bắc châu Á. Chúng tôi hy vọng Hội đồng Bảo an sẽ hành động lập tức để đáp trả việc này''.
Trung tâm khảo sát địa chất Mỹ cho hay đã đo được cơn rung chấn 4,2 độ ở CHDCND Triều Tiên vào lúc 1h35 GMT sáng nay (9/10), phía Hàn Quốc cũng có thông báo tương tự. "Mỹ đã theo dõi sát sao tình hình và khẳng định một lần nữa cam kết bảo vệ các đồng minh trong khu vực'', ông Snow nhấn mạnh.
Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, chính phủ nước này cương quyết phản đối việc thử hạt nhân của DPRK. "DPRK đã phớt lờ quan điểm chung của cộng đồng quốc tế và ngang nhiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân ngày 9/10. Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn phản đối việc này''.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra yêu cầu mạnh mẽ DPRK tuân thủ cam kết phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, ngừng bất kể hành động nào có thể làm tổn hại đến tình hình khu vực và quay lại bàn đàm phán sáu bên.
Chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi phản ứng bình tĩnh của các bên có liên quan và thúc giục họ đưa ra giải pháp hòa bình về vấn đề này thông qua thảo luận và đàm phán.
Nhật
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hiện đang ở thăm Hàn Quốc trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước nói: "Tôi đã được biết về tuyên bố tiến hành thử nghiệm hạt nhân của DPRK... Nhật Bản đã liên lạc với Mỹ và Trung Quốc để kiểm tra, trao đổi các phân tích tình báo...và tôi sẽ thảo luận với Hàn Quốc về phản ứng sau việc này''.
Các nhà lãnh đạo trong chính phủ Nhật Bản, bao gồm cả Chánh văn phòng Nội các Yasuhisa Shiozaki - cánh tay phải của ông Abe - đã nhóm họp khẩn cấp tại văn phòng Thủ tướng và quyết định thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm đối phó với vụ thử hạt nhân.
Anh
Văn phòng Ngoại giao Anh ra tuyên bố: ''Vụ thử hạt nhân này được Anh và cộng đồng quốc tế coi là một hành động khiêu khích. Chúng tôi sẽ có phản ứng thích hợp. Vụ thử nghiệm này chỉ làm gia tăng sự căng thẳng ở một khu vực vốn đã rất căng thẳng, gây ảnh hưởng tới quốc tế''.
Australia
Tại Australia, Thủ tướng John Howard khẳng định: Australia sẽ ''tán thành một nghị quyết chống lại DPRK của Hội đồng Bảo an, kể cả sự trừng phạt đi lại và tài chính cũng như những hạn chế thương mại hay hàng không khác''.
Hàn Quốc lập tức tuyên bố sẽ có câu trả lời ''cứng rắn''. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Hội đồng An ninh quốc gia và đặt quân đội trong tình trạng báo động cao hơn.
Seoul cũng đã quyết định dừng lịch trình các chuyến tàu chở hàng cứu trợ tới DPRK.
-
Kỳ Thư tổng hợp