Mỹ đang kêu gọi một số nước Mỹ Latinh gửi quân đội tới Iraq và Afghanistan làm các nhiệm vụ phi chiến đấu giữa thời điểm Lầu Năm Góc đang nỗ lực chuyển đổi hoạt động từ chiến đấu sang tái thiết.
Tướng Mỹ John Craddock cho biết, chủ đề này đã được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng vùng Tây Bán cầu về việc sẽ áp dụng kinh nghiệm của châu Mỹ Latinh như thế nào ở các khu vực chiến sự.
Theo ông Craddock, các quốc gia Mỹ Latinh "có thể thấy cơ hội giúp các nước khác giải quyết được vấn đề mà họ phải đối mặt trong quá khứ". Chẳng hạn, Colombia có thể gửi quân tới Iraq để đảm bảo an ninh cho một số cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như bảo vệ các đường ống dẫn dầu.
Tướng Nicaragua Moises Omar Halleslevens cho biết nước ông có thể sẽ gửi quân tới Afghanistan để dỡ mìn.
Lời kêu gọi trên của Mỹ được đưa ra giữa thời điểm bạo lực ở Iraq và Afghanistan tiếp tục leo thang khiến cho hoạt động cải thiện cơ sở hạ tầng ở nhiều khu vực bị đình trệ.
Giới chức Mỹ cho biết việc hoàn tất các dự tán tái thiết là thực sự cần thiết để có thể kết thúc giai đoạn chiến đấu. Họ cũng khẳng định công cuộc tái thiết đóng vai trò sống còn đối với kế hoạch rút quân của nước này khỏi Iraq và Afghanistan, một vấn đề vốn thu hút sự quan tâm lớn trong các chiến dịch vận động ở Mỹ trước mùa bầu cử quan trọng tháng 11 tới.
Cuộc chiến toàn cầu
Nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ từ một số nước Mỹ Latinh của Mỹ được một số quan chức tham dự Hội nghị VII của các Bộ trưởng Quốc phòng châu Mỹ ở Managua, Nicaragua, coi như một ví dụ về sự hợp tác khu vực mạnh mẽ và công nhận "cuộc chiến chống khủng bố" là cuộc chiến toàn cầu.
"Các mối đe dọa đối với cuộc sống tự do của chúng ta hiện nay đã vượt khỏi biên giới quốc gia", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld nói với những người đồng nhiệm tham dự cuộc họp kín. "Hầu hết mỗi một bộ trưởng ở đây đều công nhận thực tế này và sự thật là do vậy mà không một nước nào có thể tự mình đối phó với các mối nguy đó".
Theo tướng Craddock, các Bộ trưởng Quốc phòng tham dự cuộc họp nói rằng họ tin nước mình cũng đang đứng trước nguy cơ bị tấn công khủng bố. Ông Craddock cho biết thêm rằng các quan chức Mỹ đã thảo luận về việc làm thế nào để khu vực có thể tự đảm bảo an ninh và giảm thiểu các nguy cơ.
Theo đánh giá của giới phân tích, nỗ lực trên là một phần trong kế hoạch của Washington nhằm duy trì sự ảnh hưởng ở vùng Tây Bán cầu, một vị thế đang bị thách thức bởi cả kẻ thù của Mỹ lẫn các cường quốc khác. Chẳng hạn Iran đang xây dựng mối quan hệ thân thiết với cả Venezuela và Cuba trong khi Nga ngày càng có vai trò tích cực hơn trong khu vực.
-
Thanh Hảo (Theo al-jazeera)