Hôm nay (30/7), 25 thuỷ thủ bị bắt cóc ngoài khơi Somali hồi tháng 4 vừa qua đã được tự do sau khi những kẻ bắt cóc nhận được hơn 800.000USD tiền chuộc.
Thuyền viên VN làm việc trên tàu cá nước ngoài. |
Theo một thủ lĩnh du kích Somali tên là Abdi Mohamed, hiện, các thuyền viên trên đang tới đảo Seychelles, ngoài khơi châu Phi. Nhân vật này không tiết lộ ai đã trả khoản tiền chuộc.
Một quan chức Hàn Quốc tại châu Phi đề nghị giấu tên vì không được phép trò chuyện với báo chí cho hay, trong số các thuỷ thủ trên có 8 người là công dân Hàn Quốc, 9 người Indonesia và 5 người Việt Nam, 3 người Trung Quốc.
5 thuyền viên Việt Nam là Hoàng Đình Tài (sinh năm 1984, quê Nghi Phương, Nghi Lộc, Nghệ An); Nguyễn Trinh Thơ (sinh năm 1980, quê Kỳ Khang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Nguyễn Xuân Quả (sinh năm 1976, quê Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh); Trần Xuân Luận (sinh năm 1974, quê Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) và Nguyễn Văn Hỡi (sinh năm 1976, quê Kỳ Ninh, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Số thuyền viên Việt Nam do Tổng Công ty Đường sông miền Nam (SOWATCO) đưa đi và làm việc trên tàu từ 16/11/2005 đến nay.
Du kích Somali tuyên bố đã thu giữ con tàu của công ty đánh bắt Dongwon nhằm bảo vệ lãnh hải của họ trước các tàu đánh bắt bất hợp pháp. Trong khi đó, Hàn Quốc lại khẳng định cướp biển đã bắt cóc con tàu ở vùng lãnh hải quốc tế và dẫn nó về vùng biển của Somali.
Somali không có lực lượng tuần duyên hay hải quân từ năm 1991 khi các thủ lĩnh bộ lạc ở nước này lật đổ nhà độc tài lâu năm Mohamed Siad Barrer và quay sang đánh lẫn nhau.
Năm ngoái, các vụ cướp biển đã tăng mạnh, 35 trường hợp, so với 2 vụ năm 2004, Cục hàng hải quốc tế cho biết. Các băng nhóm tấn công cả tàu hành khách lẫn tàu vận chuyển để cướp bóc và đòi tiền chuộc. Somali có đường bờ biển dài nhất ở châu Phi 2976km.
Vùng biển Somalia hiện là một trong những khu vực nguy hiểm nhất thế giới về cướp biển và Cục Hàng hải Quốc tế đã cảnh báo các tàu thuyền qua lại hãy tránh xa khu vực này.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)