Hôm nay, Thủ tướng Anh Tony Blair tới Washington để hội đàm với Tổng thống Bush về tình hình ở Trung Đông giữa lúc ông bị thúc ép phải tách khỏi đồng minh Mỹ trong cuộc xung đột này.
Toàn cảnh cuộc xung đột Trung Dông
Cũng như trong cuộc chiến Iraq, Thủ tướng Anh Blair luôn sát cánh với Washington trong cuộc khủng hoảng Israel - Hezbollah. Điều này đẩy ông vào mối bất hòa với các nước Ảrập và các đồng minh châu Âu khi từ chối kêu gọi một lệnh ngừng bắn lập tức.
Thủ tướng Blair cho biết, ông muốn các vụ bắn giết ở Trung Đông phải dừng ngay lại. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này biện luận rằng, một thỏa thuận ngừng bắn chỉ có hiệu lực khi trước tiên, một số điều kiện phải được thực hiện để đảm bảo cả hai bên đều tôn trọng thỏa thuận.
Vốn đã bị sụt giảm uy tín do lập trường trong vấn đề Iraq, Thủ tướng Blair giờ lại đối mặt với sự chỉ trích gay gắt ở trong nước vì "nhắm mắt" theo Washington và không nỗ lực đủ để ngăn chặn việc giết hại dân thường Lebanon.
Hôm nay, hai tổ chức nhân đạo Oxfam và Save the Children cùng với 12 tổ chức khác đã đăng tin trên báo lên án chính sách của Thủ tướng Blair và yêu cầu ông tận dụng cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Bush để công khai kêu gọi ngưng chiến lập tức ở miền nam Lebanon.
Một phát ngôn viên của Thủ tướng Blair cho biết, ông và Tổng thống Bush "sẽ thảo luận về những yếu tố cơ bản cho một kế hoạch nhằm đạt tới lệnh ngừng bắn".
Các quan chức Anh đã bác bỏ thông tin Thủ tướng Anh sẽ thúc ép Tổng thống Bush ủng hộ một lệnh ngừng bắn ở Lebanon như một phần nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ vào tuần tới.
Ngày 26/7, các ngoại trưởng từ Mỹ, châu Âu và Trung Đông trong cuộc họp ở Rome đã đồng ý cần phải triển khai một lực lượng quân sự quốc tế với sự ủy nhiệm của LHQ tới Lebanon. Tuy nhiên, họ vẫn chưa định ra những bước đi cụ thể để ngăn chặn bạo lực.
Ngôi sao mờ dần
Thủ tướng Blair từng tự tin sải những bước dài trên vũ đài quốc tế, nhưng nay danh tính của ông đang tụt giảm bởi cuộc khủng hoảng ở Trung Đông.
Giữ chức vụ Thủ tướng suốt 9 năm qua, Blair tuyên bố sẽ không theo đuổi nhiệm kỳ 4 và ảnh hưởng của ông ở trong nước đang mờ dần khi các thành viên trong chính Đảng Lao động cũng yêu cầu ông phải định rõ ngày rời nhiệm.
Tuần trước, các tờ báo ở Anh còn chế nhạo Blair là "con chó xù" Mỹ khi ông gợi ý - trong cuộc trò chuyện riêng với ông Bush tại một hội nghị thượng đỉnh - rằng sẽ tới Trung Đông với nỗ lực chấm dứt chiến tranh.
Thủ tướng Blair đặt hy vọng vào một kế hoạch hòa bình ở Trung Đông, trong đó có chấm dứt bạo lực, trả tự do cho binh sĩ Israel bị bắt cóc và một lực lượng quốc tế đóng vai trò là "tầng đệm" giữa Israel và Hezbollah. Tuy nhiên, Anh không có ý định tham gia lực lượng này.
Ngoại trưởng Anh Margaret Beckett, hôm 26/7, cho biết bà đã than phiền với Mỹ về việc sử dụng một sân bay của Anh để chuyển bom tới Israel. Tuy nhiên, Mỹ khẳng định họ không vi phạm các thủ tục vận chuyển hàng không của Anh.
Sau Washington, ông Blair sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới California của một thủ tướng đương nhiệm Anh để nêu bật những lợi ích thương mại của Anh ở bang này.
-
Thanh Hảo (Theo Reuters, AFP)