221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
822204
Người Việt giữa vùng chiến sự Trung Đông
1
Article
null
Người Việt giữa vùng chiến sự Trung Đông
,

(VietNamNet) - Sau những giờ phút hoang mang, lo sợ, tâm trạng những người Việt Nam bị kẹt trong vùng giao tranh ở Trung Đông đã dần ổn định.

>>>Thông báo về việc sơ tán công dân VN khỏi Lebanon
>>>Thủ tướng chỉ thị giúp công dân VN tại Lebanon về nước
>>>
Danh sách người Việt kẹt ở Beirut

Đêm 24/7, rạng sáng ngày 25/7, qua điện thoại và Internet, VietNamNet đã may mắn liên hệ được với một số người Việt Nam đang sống ở hai vùng của cuộc chiến: Thủ đô Beirut (Lebanon) và thành phố Haifa (bắc Israel), để nghe họ kể về những gì họ đang chứng kiến:

Beirut: Đã quen dần với tiếng bom

Đó là cảm nhận của chị Trần Thị Mừng, một người Việt đang làm nghề giúp việc cho một gia đình ở ngoại ô Thủ đô Beirut (Lebanon).

Một trận không kích của quân đội Israel vào miền Nam Lebanon.

"Mấy ngày đầu, khi máy bay Israel giội bom xuống sân bay Beirut, nghe tiếng bom nổ ầm oàng, ai cũng cảm thấy hết sức lo sợ.

Chúng em chỉ muốn về nhà. Nhưng từ thứ Bảy đến nay, quân đội Israel không còn tấn công vào Thủ đô nữa. Giao tranh chỉ xảy ra ở vùng biên giới, còn sinh hoạt ở Thủ đô đã trở lại bình thường nên mọi người cũng quen dần", chị Mừng cho biết.

Theo chị Mừng, có khoảng  200 người Việt Nam đang làm việc tại Lebanon. Đa số là người giúp việc cho các gia đình. Chỉ một số ít làm phục vụ cho các nhà hàng, khách sạn.

"Khi chiến sự nổ ra, các gia đình này cũng di dời đến những vùng tương đối an toàn do trước khi chuẩn bị ném bom, máy bay Israel đã rải truyền đơn kêu gọi dân thường sơ tán. Có một chị người Hà Tĩnh bị kẹt trong vùng chiến sự nhưng vừa rồi thông báo đã được gia đình chủ nhà đưa đến nơi an toàn.

Do đó, số người Việt mắc kẹt trong vùng bị đánh phá hầu như không có", chị Mừng nói.

Anh Bùi Văn Dũng, đầu mối thông tin của người Việt ở Lebanon với sứ quán Việt Nam tại Cairo (Ai Cập) cho hay, có hai phụ nữ người Việt mắc kẹt trong vùng bị đánh bom. Một người tên Phương đang ở Sedon. Người thứ hai tên Đỗ Thị Lan đang sống ở miền đông nam Lebanon, gần biên giới Syria.

Chị Phương tới Lebanon làm nghề giúp việc. Chị bị kẹt lại do không kịp di tản theo gia đình chủ nhà. Tuy nhiên, được biết hiện chị vẫn đủ thực phẩm để cầm cự. Còn chị Lan hiện thường xuyên phải sống trong hầm trú ẩn.

Cả hai đang liên hệ với người Việt tại Beirut nhờ giúp đỡ chuyển đến Beirut an toàn hơn.

Chiều ngày 24/7, ông Trần Việt Tú, Tham tán sứ quán Việt Nam tại Ai Cập (phụ trách cả Lebanon) cho biết, số người Việt bị kẹt trong vùng giao tranh vừa được di chuyển tới nơi an toàn hơn.

Theo ông Tú thì đến nay chưa có gì đáng lo ngại, đa số người Việt Nam tại Lebanon vẫn sinh sống và làm việc bình thường, bởi tình hình các khu vực có đông người Việt vẫn yên ổn.

 Sau trận không kích của Israel vào phía nam Beirut

Cho đến ngày hôm nay, tâm lý của đa số người Việt ở Lebanon đã trở lại ổn định nhờ những dự báo trong khoảng 10 ngày nữa, chiến tranh sẽ kết thúc, chị Mừng cho biết. Theo chị, đa số người Việt ở đây dự định sẽ chờ chiến tranh kết thúc rồi tìm cách trở về Việt Nam.

Chị Mừng cũng cho hay, trong những ngày bom đạn ác liệt, những người Việt ở Lebanon thường xuyên liên hệ và thông báo tình hình cho nhau. Ngày nào gia đình chị cũng gọi điện sang động viên nên chị cũng cảm thấy bớt hoang mang đôi phần.

Di tản: Chờ đợi sự giứp đỡ từ Chính phủ!

Thông tin mới nhất cho biết, Bộ Ngoại giao đã có công hàm đề nghị và được Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) đồng ý sẽ hỗ trợ giúp đỡ công dân Việt Nam cùng với công dân các nước khác sớm sơ tán khỏi Lebanon. Bộ Ngoại giao cũng đang liên hệ với một số nước khác để giúp đỡ công dân VN sơ tán.

Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập cử cán bộ tới Lebanon để trực tiếp tổ chức giúp đỡ, hướng dẫn công dân Việt sơ tán khỏi Lebanon.

Những giọt nước mắt vui mừng của những công dân Philippines được Chính phủ đưa về nước ngày 23/7.

Trước đó, liên hệ với Đại sứ quán VN tại Ai Cập, nhận định về khả năng đưa người Việt di tản khỏi Libăng, ông Trần Việt Tú, tham tán sứ quán Việt Nam tại Cairo (Ai Cập) cho rằng còn khá khó khăn. Theo ông Tú, giải pháp khả thi hơn cả là trụ lại, chờ cho tình hình chiến sự dịu đi.

Anh Bùi Văn Dũng cho biết hiện nay phí đi đường bộ ở Libăng đã tăng cao hàng chục lần. Sân bay Beirut đã bị hư hỏng nặng trong các cuộc không kích của Israel. Người lao động Việt Nam ở đó muốn đi đường thủy thì cũng không có khả năng. Thậm chí có một số người không có visa vì chủ nhà giữ hết giấy tờ và đã đi di tản.

Theo chị Trần Thị Mừng, việc tự di tản ra nước ngoài của người Việt là quá khó vì rất tốn kém và nguy hiểm. Do đó, cách duy nhất là chờ đợi sự giúp đỡ của Chính phủ Việt Nam.

"Mấy ngày trước, Đại sứ quán VN có liên hệ với cộng đồng người Việt bên này. Họ có nói nếu ai cần sự giúp đỡ của Đại sứ quán thì đăng ký. Tôi cũng đã đăng ký yêu cầu sự giúp đỡ nhưng cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa nhận được tin tức gì cả", chị Mừng cho hay.

Người Việt ở Haifa: Đi làm dưới làn mưa rocket

Vụ tấn công rocket của Hezbollah vào Haifa hôm 16/7.

Chiều 24/7, VietNamNet cũng đã liên lạc được với một số người Việt Nam đang sinh sống ở Haifa, thành phố Cảng miền Bắc Israel, nơi đã trở thành tâm điểm nã rocket của du kích Hezbolla. Đến nay, con số thương vong đã lên tới: 37 người thiệt mạng.

Chỉ trong ngày 24/7, đã có tới 39 quả rocket rơi xuống Haifa, làm 2 người chết.

Liên lạc với chị Nguyễn Thị Sơn, một phụ nữ lấy chồng Do Thái và sinh sống ở Haifa hơn 10 năm nay, chị cho biết nhiều người đã di tản về Jerusalem hoặc Tel Aviv nhưng gia đình chị vẫn "an tâm sống và nghe tiếng rocket bắn qua".

Thỉnh thoảng, tiếng còi báo động hụ vang inh ỏi, khiến câu chuyện bị ngắt quãng.

Chị Sơn kể, ở Naharyia, liền kề biên giới với Lebanon có gia đình chị Trương Thị Hồng đã di tản ngay từ ngày đầu tiên khi chính phủ Israel ra thông báo chiến tranh.

Ngoài chị Sơn, ở Haifa còn có chị Dung, một phụ nữ Việt lấy chồng Israel và định cư được hơn 5 năm, ông bà Vinh, Thi bán tiệm cơm. Các gia đình này đều ở lại thành phố. Chị Sơn, chị Dung vẫn đi làm bình thường.

"Ở văn phòng tôi nếu ra cửa sổ đứng còn nhìn thấy rocket của Hezbolla bắn vào thành phố”, chị Sơn kể.

Chị Sơn hiện đang là nhân viên văn phòng của 1 công ty môi trường đóng trong 1 toà nhà cao tầng ở Haifa.

Bé Phương, con chị Sơn, mới 8 tuổi nhưng cũng đã bắt đầu quen với tiếng rocket bắn bùm bùm suốt ngày đêm và tiếng còi báo động xé toang không gian vốn rất yên tĩnh ở thành phố này.

Những người dân ở Haifa lẫn Beirut khi trả lời VietNamNet qua điện thoại đều tỏ ra không quan tâm đến chuyện ai đúng ai sai trong cuộc xung đột.

Chị Sơn nói, chị chỉ mong "chiến sự sẽ sớm chấm dứt và mọi chuyện trở lại an bình".

Những cuộc điện đàm giữa VietNamNet và những người Việt Nam đang phải sống trong vùng chiến sự thường xuyên bị ngắt quãng. Qua điện thoại, có thể nghe tiếng rocket lẫn tiếng bom đạn chen ngang cuộc gọi, rất rõ.

·  Việt Lâm

 

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,