Để giải quyết tình hình xung đột leo thang tại Trung Động hiện nay cần sự cam kết của Mỹ, sự kiềm chế của Israel, sự mềm mỏng của người Ảrập và một chút may mắn ở Iraq.
>>>Toàn cảnh cuộc xung đột Israel - Lebanon
Các cuộn khói dâng cao sau khi trực thăng chiến đấu của Isrel oanh tạc làng phía nam Zrariyeh, gần thị trấn duyên hải Tyre của Lebanon. |
Với lời lẽ ôn tồn ''Vào chủ nhật này, tôi sẽ tới Israel và vùng lãnh thổ Palestine, nơi tôi sẽ gặp Thủ tướng Olmert và giới lãnh đạo Israel, đồng thời gặp Tổng thống Abbas và nội các của ông'', tuần trước bà Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã gắn văn phòng của bà với không chỉ cuộc khủng hoảng nóng bỏng vào mùa hè này mà còn với sự nghiệp và danh tiếng của những người tiền nhiệm của mình.
Các cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Zbigniew Brzezinski, James Baker, Madeleine Albright và nhiều người khác đã cố gắng manghoà bình đến với Trung Đông. Năm này qua năm khác, thập niên này qua thập niên khác, vùng đất nóng bỏng này vẫn nhuộm máu và bụi mù bom đạn.
Chuyến thăm của bà Rice tới Trung Đông hôm nay cho thấy sự thừa nhận ngầm của Chính quyền Bush rằng, bất kỳ đời tổng thống nước Mỹ nào đều nặng gánh Trung Đông.
Tất nhiên, ông Bush và bà Rice biết rõ đường hướng giải quyết. Mọi người đều vậy. Chẳng có bí mật gì về lý thuyết hoà bình ở Trung Đông, nhưng thực hiện mới là điều khó. Tuy nhiên, không phải vô ích khi đưa ra những giải pháp cho tình hình nóng bỏng hiện nay:
Sự tham gia của Mỹ
Quá dễ để tìm ra lý do bất kỳ chính quyền Mỹ nào đều muốn đứng ngoài nỗ lực kiến tạo hoà bình ở Trung Đông. Dù có cố gắng, nhưng các đời tổng thống Mỹ đều mang lại rất ít thành quả. Chính quyền Jimmy Carter dù đã thành công làm trung gian hoà giải giữa Ai Cập và Israel tại Trại David năm 1978 nhưng cũng chẳng may mắn gì.
Năm 1983, dưới thời Ronald Reagan, 241 thành viên lực lượng vũ trang Mỹ đã thiệt mạng sau khi một doanh trại quân đội bị đánh bom ở Beirut - kẻ tấn công tình nghi là Hezbollah. Và, Bill Clinton phải rời nhiệm sở quá thất vọng bởi trí thông minh và vẻ hào hoa của ông cũng chưa đủ để mang lại một sự dàn xếp toàn diện giữa Israel và Palestine.
Chuyến thăm của bà Rice lần này là bằng chứng cho thấy Mỹ đã tham gia vào vấn đề Trung Đông, dù có muốn hay không. Điều đó không chỉ bởi Mỹ là cường quốc số một thế giới mà còn là nước có quan hệ thân thiết với Israel, từng cam kết đảm bảo an ninh cho Israel.
Điều đó có nghĩa, Washington có thể ''nói chuyện'' với người Israel, và thuyết phục họ rằng tốt nhất nên thương lượng với những người mà động cơ và cách hành xử của họ bị Israel ''khinh thường''.
Đừng bỏ quên người Palestine
Giống như bất kỳ cuộc sinh nở nào, nhiệm vụ này không hề dễ dàng. Các nước Ảrập dòng Sunni nếu tham gia cùng Mỹ phản đối Hezbollah và Iran chắc chắn sẽ đòi lại một cái gì đó và không khó đoán: đó chính là sự cam kết toàn vẹn của Mỹ nối lại tiến trình hoà bình giữa Israel và Palestine.
Đối với các quốc gia Ảrập, sự cam kết toàn diện của Mỹ nói trên rõ ràng là chiếc chìa khoá thứ hai ''chữa trị'' ''căn bệnh'' vốn đang hoành hành khu vực - cuộc xung đột Israel - Palestine.
Giải quyết được cuộc xung đột này cùng với thúc đẩy phát triển kinh tế sẽ khiến các nhóm cực đoan không còn lý do tồn tại, sự ủng hộ của công chúng đối với các hành động bạo lực sẽ mất đi.
Đảm bảo an ninh cho Israel
Đây được coi là chìa khoá thứ ba mở cánh cửa hoà bình. Bởi nó giúp thuyết phục người Israel rằng, họ và con cháu họ sẽ được ngủ yên vào mỗi đêm.
Quân đội của nhà nước Do Thái có thể chiến thắng mọi kẻ thù trong những cuộc chiến thông thường. Nhưng, hiện Israel đang chiến đấu trong một cuộc chiến không phải ''chuẩn''. Một cuộc chiến chống lại Hamas và Hezbollah, những lực lượng được đào tạo bài bản, được cổ vũ về mặt tôn giáo, được người dân che chở trong các làng mạc, và ngôi nhà của mình.
Điều đó có nghĩa, Israel buộc phải phá huỷ làng mạc, thành phố và sát hại nhiều người vô tội. Như vậy, đó là cuộc chiến mà Israel sẽ không bao giờ thắng. Với sự tàn phá tại miền Nam Lebanon, Israel đang tạo ra một thế hệ người Ảrập thù ghét Israel. Và, bằng cách cố đảm bảo an ninh hôm nay, Israel chỉ đe doạ an ninh của chính mình ngày mai.
Ổn định Lebanon
Bằng cách để lại binh sĩ tại Bờ Tây, Israel hy vọng đảm bảo được an ninh ở biên giới phía Đông. Tuy nhiên, chiến thuật tương tự không phát huy hiệu quả ở phía Bắc.
Rõ ràng, không ai ủng hộ sự chiếm đóng của Israel tại khu vực miền Nam Lebanon một lần nữa và họ sẵn sàng che chở cho Hezbollah nã rocket sang miền Bắc Israel. Đó là lý do chìa khoá thứ tư mở cánh cửa hoà bình chính là phải ổn định Lebanon.
Giải quyết vấn đề Iran
Iran bị tình nghi là nhân tố trung tâm dẫn tới cuộc khủng hoảng Israel-Lebanon. Đối với nhiều người Israel, Iran đã khuyến khích Hezbollah bắt cóc binh sĩ Israel.
Giả sử Iran thực sự đứng đằng sau vụ tấn công của Hezbollah, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Mỹ và các cường quốc khác đang thảo luận nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran và có thể dễ áp dụng trừng phạt Iran hơn nếu cáo buộc nước này gây ra cuộc khủng hoảng tại Lebanon. Tuy nhiên, Iran là một nước giàu dầu mỏ giáp với Pakistan, Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Iran có vị trí chiến lược tại khu vực Á-Âu. Phương Tây muốn ''đối thoại mang tính xây dựng'' với Tehran với vị thế là cường quốc khu vực nhưng vẫn lăm le trừng phạt nếu nước này vi phạm các quy định hạt nhân.
Tuy nhiên, Israel nghĩ đối thoại với một nước mà giới lãnh đạo nước này muốn ''xoá Israel khỏi bản đồ thế giới'' thì thật thừa hơi. Trong khi đó, trong suốt 26 năm qua, Mỹ đã có nhiều cuộc đối thoại với Iran, đó là đòn bẩy để Mỹ và các đồng minh nghĩ họ có thể lôi kéo được nếu Iran chiếm lĩnh vị thế bá chủ khu vực. Tuy nhiên, ngay cả khi Iran bị kiềm chế hoặc giả dụ Iran thay đổi thái độ thì rất khó xảy ra khả năng Hezbollah đi theo, và Hamas lại càng không.
Nguyện cầu cho Iraq
Cuối cùng là vấn đề Iraq: Hy vọng ban đầu của Mỹ về Iraq có vẻ không hợp lý: sự thành công của một nền dân chủ có thể tạo ra sự ổn định cho toàn khu vực. Nhưng thất bại của Mỹ tại Iraq kể từ sau cuộc chiến năm 2003 đã khiến nhiều người tin rằng, xung đột bùng phát sẽ khiến Washington và đồng minh phải từ bỏ hy vọng thúc đẩy khả năng thay đổi căn bản tình hình. Và tồi tệ hơn cả, là Iraq có thể trở thành nơi ''hỗn chiến'' giữa người Sunni và Shi'ite, với Iran đứng về phía Shi'ite và nhiều quốc gia Ảrập ủng hộ Sunni.
Trong cuộc chiến Iran-Iraq 1980-88, hơn một triệu người thiệt mạng hoặc bị thương, và kịch bản đó có thể tái diễn trong bối cảnh khu vực chỉ có một cường quốc Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
-
Trần Kiên (theo Time)