Trong một động thái khiến Moscow bực mình, Mỹ đang đề xuất lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa tại Trung Âu nhằm chống lại bất kì cuộc tấn công nào từ Iran.
Kế hoạch "Chiến tranh giữa các vì sao" do Tổng thống Ronald Reagan đưa ra năm 1983 cho tới giờ vẫn gây nhiều tranh cãi |
Kế hoạch gồm 10 đơn vị đánh chặn này sẽ tiêu tốn tới 1,6 tỉ USD. Hiện Lầu Năm Góc đã xin Quốc hội Mỹ thông qua khoản 56 triệu USD để triển khai hoạt động thăm dò.
Địa điểm có nhiều khả năng trở thành căn cứ cho hệ thống mới là Ba Lan, sau đó đến CH Czech. Tên thực tế kế hoạch này mới chỉ mang tính giả thuyết.
Iran hiện không có loại vũ khí nào đủ khả năng tấn công khu vực Tây Âu, chưa nói gì tới việc sản xuất ra một tên lửa xuyên lục địa có thể chạm tới Mỹ.
Tuy nhiên trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Tehran gia tăng do chương trình làm giàu uranium của nước này, cộng với sự hiện diện của Thủ tướng Israel tại Washington với lời cảnh báo rằng Iran là mối hiểm hoạ không chỉ cho Israel mà với cả nền văn minh phương Tây, Mỹ đã quyết định phát đi tín hiệu mới cho thấy quyết tâm hành động của họ.
Moscow bất bình
Lá chắn tên lửa mới sẽ giúp quân đội Mỹ có sự hiện diện sâu rộng hơn tại châu Âu. Lẽ tất nhiên, điều này làm cho Nga không hài lòng bởi nó sẽ tác động tới khu vực phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Moscow.
Phát biểu với một tờ báo Belarus, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Ivanov cho rằng: "Động thái này sẽ gây ra tác động tiêu cực đối với toàn bộ hệ thống an ninh Âu-Đại Tây Dương". Tuyên bố của ông Ivanov ám chỉ tới những căng thẳng đối với quan hệ Nga-NATO. "Địa điểm xây dựng hệ thống này cũng rất đáng ngờ", ông nói.
Đây không phải lần đầu tiên Nga và Mỹ bất đồng về lá chắn tên lửa. Năm 2002, Tổng thống Bush từng khiến Moscow tức giận khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước chống Tên lửa đạn đạo 1972. Hiệp ước này từ lâu được Moscow coi là cơ sở để kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Việc mở rộng hệ thống đánh chặn tên lửa sang Ba Lan hay CH Czech là diễn biến mới nhất trong câu chuyện từng gây nhiều tranh cãi do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan phác thảo ra từ năm 1980 - Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI), còn được gọi là "Chiến tranh giữa các vì sao".
Nhưng dù hơn 20 năm trôi qua với biết bao công sức và tiêu tốn tới hàng tỉ đô la, giờ đây người ta lại cho rằng một lá chắn như vậy sẽ không ăn thua nếu nước Nga, với kho vũ khí hạt nhân tương đương Mỹ, tiến hành một cuộc tấn công.
Kế hoạch đó giờ đây lại bị thay đổi về quy mô, chỉ nhằm để đối phó với một vụ tấn công hạn chế từ phía CHDCND Triều Tiên, được phỏng đoán là có thể xảy ra vào cuối thập niên này. Cho tới nay, đã có 9 quả rocket đánh chặn được bố trí tại Fort Greely, Alaska và hai quả ở Căn cứ Không quân Vandenberge, California. Song khả năng thành công của hệ thống này vẫn còn là dấu hỏi.
Theo tờ New York Times, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld sẽ nhận được một đề xuất về địa điểm lắp đặt hệ thống vào mùa hè này. Nếu kế hoạch tại Ba Lan tiến triển, nó sẽ giúp Mỹ có sự hiện diện quân sự vĩnh viễn tại khu vực này.
Địa điểm cung cấp hậu cần cho lá chắn mới từng được dự kiến là nước Anh, nơi Lầu Năm Góc đang nâng cấp trang thiết bị tại Căn cứ radar báo sớm thuộc vùng Bắc Yorkshire. Nhưng trong bối cảnh uy tín của Thủ tướng Blair đang sụt giảm thì khả năng này khó thành hiện thực.
-
HT - (Theo Independent, New York Times)