5 thanh tra từ cơ quan giám sát hạt nhân LHQ đã có mặt Iran trong chuyến thăm các cơ sở làm giàu và tái chế uranium của nước cộng hòa Hồi giáo này.
Các kỹ thuật viên trong phòng kỹ thuật điều hành chuyên giám sát hoạt động tại cơ sở chuyển đổi uranium Isfahan (Reuters) |
Đài truyền hình quốc gia Iran dẫn lời Phó giám đốc tổ chức năng lượng hạt nhân Mohammad Saeedi cho biết, các thanh tra tới thăm nhà máy làm giàu uranium Natanz và cơ sở chuyển đổi uranium Isfahan - cùng ở miền trung Iran, vào cuối ngày hôm nay.
Chuyến đi của 5 thanh tra này diễn ra trước khi Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) là Mohamed El Baradei tới Iran nhằm thuyết phục quốc gia này nhượng bộ trong chương trình hạt nhân.
Dù chuyến thăm của ông ElBaradei là nhằm giải tỏa căng thẳng, nhưng nếu chỉ thành công một phần thì lại có thể gia tăng khoảng cách giữa 5 thành viên thường trực HĐBA. Nếu Iran chấp nhận một số đề nghị của Hội đồng Bảo an LHQ trong khi không ngừng hẳn việc làm giàu uranium thì không thể thỏa mãn Mỹ, Pháp, và Anh, nhưng lại xoa dịu được Nga và Trung Quốc, hai nước vốn phản đối các biện pháp cứng rắn với Iran.
Hãng thông tấn Cộng hoà Hồi giáo Iran cho biết, nhà lãnh đạo IAEA sẽ tới Iran sớm nhất vào ngày 9/4 hoặc 10/4. Trong khi đó, nhóm 5 thanh tra, tới Iran từ hôm qua, sẽ ở lại đây trong 5 ngày. Theo ông Saeedi, chuyến công du của các thanh tra LHQ là nằm trong khuôn khổ Hiệp ước không phổ biến hạt nhân.
Vào tháng 1/2006, Iran đã từ chối đón tiếp phái đoàn thanh tra sau khi vấn đề hạt nhân nước này bị trình lên Hội đồng Bảo an LHQ do có nghi ngờ sản xuất vũ khí hạt nhân.
Thanh tra IAEA lắp đặt camera tại cơ sở hạt nhân Isfahan của Iran |
Natanz là nơi Iran nối lại các hoạt động làm giàu uranium ở quy mô nghiên cứu hồi tháng 2/2006. Khu Isfahan là nơi tái chế uranium thô thành khí hexaflouride - nguyên liệu cấp cho máy chế biến làm giàu uranium. Uranium được làm giàu ở mức thấp có thể dùng để sản xuất năng lượng hạt nhân song nếu được xử lý ở mức cao hơn thì có thể sử dụng cho bom nguyên tử.
Mỹ cáo buộc Iran dùng các cơ sở hạt nhân dân sự làm bình phong cho các chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân. Tehran đã bác bỏ các lời buộc tội, khẳng định những gì họ đang làm chỉ vì mục đích sản xuất điện năng.
Chương trình hạt nhân được coi là niềm tự hào dân tộc của Iran và ngay cả các nhóm chống chính phủ cũng ủng hộ kế hoạch này.
Ngày 29/3, Hội đồng Bảo an LHQ yêu cầu Iran ngừng việc làm giàu uranium và đề nghị IAEA thông báo lại trong vòng 30 ngày về việc nước này có tuân thủ quyết định hay không. Iran đã bác bỏ đòi hỏi trên, đồng thời tuyên bố dự án làm giàu uranium quy mô nhỏ chỉ dùng cho mục đích nghiên cứu nằm trong những quyền mà Hiệp ước không phổ biến hạt nhân cho phép.
-
Hoài Linh (Theo AP, Hindustan Times)