Các nước Châu Á - Thái Bình Dương đã có phản ứng khác nhau, nhưng nhìn chung là tích cực và thận trọng với thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Mỹ và Ấn Độ.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn vui mừng thông báo thoả thuận hạt nhân lịch sử giữ hai nước |
Ngay sau khi thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc đã lên tiếng nhắc nhở rằng : "Hợp tác [giữa New Delhi và Washington] phải tuân thủ các điều khoản và chế tài của luật không phổ biến hạt nhân toàn cầu, áp dụng với mọi quốc gia."
Trung Quốc tỏ ra "không hài lòng" với việc cả Ấn Độ và Pakistan (đối trọng hạt nhân của Ấn Độ trong khu vực) đều đã từ chối ký vào bản Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân (NPT). Mặc dù thái độ đó của Trung Quốc được coi là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ "nắm lấy" Ấn Độ về vấn đề hạt nhân, nhưng nước này vẫn không đưa ra bất cứ lời chỉ trích nào về thoả thuận này.
Nhật Bản - đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực và đang tìm cách xích lại quốc gia Nam Á - rất hoan nghênh thỏa thuận mới ký kết. Nhật cũng bác bỏ các ý kiến coi New Delhi "ngang hàng" với Bình Nhưỡng.
Shinzo Abe, chánh văn phòng Nội các kiêm phát ngôn viên của chính phủ Nhật nói: "Ấn Độ là quốc gia có cùng các giá trị về tự do, dân chủ, các quyền con người cơ bản và luật pháp với Mỹ và Nhật. Thật là sai lầm nếu thảo luận vấn đề hạt nhân của Ấn Độ cùng cấp với CHDCND Triều Tiên".
Australia cũng ủng hộ thoả thuận Mỹ - Nhật, giải thích rằng Washington ít nhất cũng đã thuyết phục được New Delhi hé mở các nhà máy hạt nhân dân sự cho sự thanh sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).
Phát biểu qua sóng phát thanh, ngoại trưởng Alexander Downer khẳng định: "Đây là một bước đi đúng đắn, tiến về phía trước cho tình hình khó khăn hiện nay."
Tuy nhiên, ông Downer cũng phản đối việc dỡ bỏ lệnh cấm bán Uranium cho Ấn Độ chừng nào New Delhi còn chưa ký vào hiệp ước NPT.
Tại Pakistan, điểm dừng chân tiếp theo của tổng thống Bush sau Ấn Độ, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Tasnim Aslam cho biết: "Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự hợp tác tương tự."
Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, Islamabad khó nhận được đề nghị tương tự như New Delhi từ phía Mỹ sau vụ scandan về việc chuyên gia nguyên tử của nước này, Abdul Qadeer Khan đã tiết lộ các bí mật hạt nhân cho Iran, CHDCND Triều Tiên và Libya.
Trong khi đó, Mohamed ElBaradei - người đứng đầu IAEA - cho rằng thoả thuận Mỹ - Ấn có thể tăng cường các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Còn Ralph Cossa, một chuyên gia phân tích chính trị, chủ tịch diễn đàn Thái Bình Dương tại Honolulu, Hawaii nhận định rằng : "Phần lớn các nước Châu Á - TBD tỏ ra vui mừng trước sự hợp tác giữa Mỹ - Ấn. Thêm vào đó, ở Châu Á, chế tài không phổ biến vũ khí hạt nhân không phải là vấn đề lớn như đối với Mỹ và Châu Âu ... Họ nghĩ Hiệp ước NPT là vấn đề của các cường quốc lớn, không ảnh hưởng đến họ nhiều lắm."
-
Thanh Bình (AFP, ChannelAsia)