Hôm nay, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh và Tổng thống Mỹ Bush ra tuyên bố hai bên đã đạt được thoả thuận hạt nhân quan trọng. Đây được coi là thành công lớn trong chuyến thăm đầu tiên của ông Bush tới Ấn Độ, đồng thời đánh dấu bước đột phá trong mối quan hệ chiến lược song phương.
>>> Ấn Độ - Lời giải cho bài toán cân bằng chiến lược
Ấn Độ - điểm hẹn mới của các nhân tài
Chất xám Ấn Độ hồi hương
Hai nhà lãnh đạo vui mừng thông báo kết quả hội đàm. |
Theo nội dung thoả thuận được giữ bí mật tới phút chót, Mỹ sẽ chia sẻ công nghệ và nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ để tiếp sức cho nền kinh tế đang phát triển với tốc độ chóng mặt này kể cả khi Ấn Độ không ký Hiệp ước Cấm phổ biến hạt nhân (NPT).
Đây là một sự chuyển hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ sau vài năm áp đặt lệnh trừng phạt tạm thời đối với Ấn Độ vì vụ thử hạt nhân của New Delhi năm 1998.
"Ngày hôm nay, chúng tôi đã hoàn tất một thoả thoận mang tính lịch sử hạt nhân về vấn đề năng lượng hạt nhân. Thật không dễ dàng cho Thủ tướng Ấn Độ khi đạt được thoả thuận này. Tôi hiểu điều đó. Và cũng không hề dễ dàng cho Tổng thống Mỹ", trích phát biểu của Tổng thống Bush.
Đề cập tới sự hoài nghi của Quốc hội Mỹ về thoả thuận này, ông Bush nhấn mạnh: "Đây là một thoả thuận cần thiết. Nó sẽ giúp cả hai dân tộc".
Đáp lại, Thủ tướng Ấn Độ ngỏ lời cảm ơn ông Bush vì những nỗ lực cá nhân để hoàn thành thoả thuận. "Nếu không có sự lãnh đạo của Tổng thống, ngày hôm nay có lẽ không đến sớm như vậy", ông Singh nói.
Hồi tháng 7, ông Bush và ông Singh đã ký một thoả thuận cung cấp cho Ấn Độ nhiên liệu hạt nhân để giải quyết nhu cầu năng lượng cho nền kinh tế Ấn. Nhưng hai bên vẫn vướng mắc trong vấn đề tách bạch giữa chương trình hạt nhân phục vụ thương mại và chương trình hạt nhân quân sự của Ấn Độ.
Mỹ đưa ra đề xuất Ấn Độ mở cửa một số cơ sở hạt nhân cho các thanh sát viên quốc tế kiểm tra, nhưng đề xuất này vấp phải sự phản đối của phe đối lập Ấn Độ vì cho rằng nó ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia.
Tổng thống Bush và Thủ tướng Singh phát biểu tại cuộc họp báo. |
Một số nghị sĩ tại Washington thì tỏ ra không đồng ý trước việc chính quyền Bush miễn NPT cho Ấn Độ.
Những cuộc đàm phán về thoả thuận hạt nhân được tiến hành song song với những cuộc biểu tình suốt thời gian ông Bush lưu lại Ấn Độ. Điều đó phản ánh tâm trạng lẫn lộn của người Ấn trước chuyến thăm của người lãnh đạo Nhà Trắng.
Đa phần giới doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo trong chính phủ Ấn tỏ ra rất háo hức muốn tăng cường quan hệ với Mỹ. Nhưng trên đường phố New Delhi, hàng nghìn người vẫn xuống đường biểu tình phản đối chuyến thăm. Một số chính trị gia cánh tả cũng kéo đến trước toà nhà quốc hội để phản đối.
Sau Ấn Độ, ông Bush sẽ tiếp tục sang thăm Pakistan, nơi vừa xảy ra một vụ đánh bom tại Khách sạn Marriott ở Karachi khiến ít nhất 1 quan chức ngoại giao Mỹ thiệt mạng.
-
HT - (Theo AP, Reuters)