LTS: Sự nổi lên của Trung Quốc thời gian qua là đề tài tốn không ít giấy mực của giới truyền thông, chính khách và học giả. Edward Tse đã có những phân tích sắc sảo và khác biệt lý giải sự thần kỳ Trung Quốc. Chìa khoá của sự thành công đó nằm ở khát vọng vươn lên tột cùng của cả dân tộc Trung Hoa nhằm khẳng định mình với thế giới.
VietNamNet xin giới thiệu bài viết này của ông.
Đối với nền kinh tế phát triển nhanh chóng nhất thế giới, 10 năm đã qua chưa phải là lời chỉ dẫn kinh nghiệm tốt nhất cho 10 năm tiếp theo.
Người Trung Hoa đang vượt khỏi Vạn Lý Trường Thành để hướng ra thế giới (Ảnh minh hoạ). |
"Một trí thông minh tuyệt đỉnh được kiểm nghiệm thông qua khả năng nắm giữ đồng thời 2 ý tưởng đối nghịch mà vẫn đảm bảo khả năng vận hành hiệu quả,"
F. Scott Fitzgerald đã từng viết như thế. Có lẽ lúc đó, ông đang miêu tả về tương lai của Trung Quốc.Có ít nhất hai luồng quan điểm đang thịnh hành về bản sắc của quốc gia đang ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế. Nhiều nhà tư tưởng tin chắc rằng vào khoảng năm 2030, nếu không muốn nói là sớm hơn, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tỉ lệ tăng GDP bình quân hàng năm lên tới 9% trong vòng 20 năm qua.
Trong khi đó, những người theo chủ thuyết hoài nghi phản biện rằng tốc độ tăng trưởng của quốc gia này sẽ chững lại bởi các vấn đề môi trường, chính trị và xã hội nảy sinh từ sự phát triển nhanh chóng hiện nay.
Hai dự đoán này đều thuyết phục nhưng chúng quá đơn giản. Giống như Nhật Bản vào những năm 1980, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc khiến những người ngoài cuộc rất khó dự đoán về tương lai của nó trong những năm 2000. Một phần đó là vì Trung Quốc không phải là một môi trường kinh doanh tĩnh. Năng lực và khả năng cạnh tranh của các công ty đại lục ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ đang phình to, các kênh buôn bán, phân phối được mở rộng và phạm vi quản lí cũng thay đổi, tăng lên ở mọi cấp.
Do đó, những bài học kinh nghiệm rút ra từ 10 năm trước không nhất thiết liên quan tới 10 năm sau. Khi các công ty nước ngoài thử sức kinh doanh ở Trung Quốc thì thành công của họ phụ thuộc vào khả năng đọc được suy nghĩ của các đối thủ cũng như bạn làm ăn ở đại lục.
Có ít nhất 5 "sự bất ngờ" về tương lai Trung Quốc: các khía cạnh cuộc sống và kinh doanh toàn cầu bắt nguồn từ cuộc cách mạng chính trị, kinh tế, văn hoá ở đất nước có một không hai này sẽ trở nên hoàn toàn khác biệt với cách mà những người ngoài cuộc đã dự liệu. Những ngạc nhiên này là:
1. "Tại sao không phải tôi ?" Sự khốc liệt trong việc quản lí doanh nghiệp đang thúc đẩy rất nhiều công ty nỗ lực vượt lên khỏi vị trí nhà sản xuất hàng hoá giá rẻ.
2. Những người thử nghiệm không sợ rủi ro : Việc chú trọng vào nghiên cứu và phát triển nhanh chóng đã biến Trung Quốc trở thành nơi ươm mầm cho sự ra đời của các sản phẩm và dịch vụ cơ bản.
3. Thu hút chất xám : Khả năng thu hút và giữ chân các nhà quản trị từ khắp nơi trên thế giới đã tạo ra thế mạnh cạnh tranh lớn hơn cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
4. Vượt ra ngoài quan hệ : Một số người ngoài cuộc vẫn còn coi Trung Quốc là một nền kinh tế dựa chủ yếu vào bảo hộ mà trong đó các mối quan hệ và nền tảng đạo đức quyết định sự thành công. Tuy nhiên, trình độ quản lí cao và cấu trúc quản trị rõ ràng đang ngày càng góp phần tạo dựng nên sự thành công cho Trung Quốc, ít nhất là trong một số ngành kinh tế.
5. Tham vọng vươn ra bên ngoài : Trung Quốc đang đóng vai trò như là chất xúc tác của sự phát triển kinh tế bền vững tại các thị trường mới nổi của các nước đang phát triển.
"Tại sao không phải là tôi ?"
Khao khát vượt lên của giới doanh nhân TQ
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi vạch ra các kế hoạch kinh doanh thường dựa vào nhận định rằng các đồng nghiệp Trung Quốc chỉ đơn giản là những đối thủ cạnh tranh giá rẻ. Tuy nhiên, họ sẽ bị bất ngờ trước khả năng cạnh tranh của một số công ty Trung Quốc trong việc đa dạng hoá các mặt hàng và dịch vụ.
Nhân tố gây tranh cãi nhất về sức cạnh tranh của Trung Quốc là nguồn gốc lịch sử về khả năng của Trung Quốc ngày nay. Từ giữa thế kỉ 19 (cuối thời nhà Thanh), có một giai đoạn tương đối đình trệ về kinh tế và công nghệ ở Trung Quốc. 40 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản từ 1949, nền kinh tế Trung Quốc vẫn giậm chân tại chỗ.
Chỉ đến năm 1992, khi Đặng Tiểu Bình có chuyến công du phương nam lịch sử tới thành phố Thâm Quyến thì động lực cho làn sóng kinh tế đại lục mới được giải phóng.
Cho đến hiện tại, động lực này đã lớn mạnh hơn rất nhiều khiến người ta có cảm tưởng rằng ống hơi nước tạo ra áp lực trong một thời gian dài đã được đục thủng nhiều lỗ.
Sau khi được nuôi dưỡng dựa trên sự hấp thụ cả hai ý tưởng - "Cuộc sống sẽ tốt đẹp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản" và "Hành vi ứng xử chấp nhận được là hành vị do cha mẹ, ông chủ và các vị lãnh đạo theo Khổng giáo quyết định"- các doanh nhân Trung Quốc hiện tại bắt đầu dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của những giá trị này.
Đặt lại những giá trị
Một câu hỏi đặt ra trong đầu của mọi doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao tại Zhongguancun (gần Bắc Kinh), các khu chế xuất của Wenzhou, khu công nghiệp Dalian và hàng chục trung tâm kinh doanh khác của Trung Quốc là : "Tại sao không phải tôi?". Thành công đang ở xung quanh họ.
Baidu, công ty chuyên cung cấp công cụ tìm kiếm trên Internet vừa lên sàn Nasdaq được điều hành bởi các lãnh đạo trẻ thường xuyên lên trang nhất của truyền thông Trung Quốc. Thôi thúc bởi những ham muốn vạt chất, các doanh nhân trẻ của đại lục háo hức tìm cách "bắt kịp" với phần còn lại của thế giới. Họ gần như choáng váng trước cảm giác cơ hội đang sinh sôi nảy nở. Họ đọc tin tức thời sự hàng ngày trên Internet về sự toả sáng của Yahoo, Silicon Graphics và Google. Họ tự coi mình là người sáng tạo ra những Intels, Apples và Microsofts tương lai của thế giới. Một vài người trong số họ có thể sẽ làm được điều đó.
Do các chủ doanh nghiệp Trung Quốc rất vội vã khẳng định vị trí của mình và bởi vì vẫn còn quá sớm cho các tham vọng của họ nên họ có xu hướng gây ra cảm tưởng là họ không quan tâm nhiều lắm đến chất lượng.
Tất nhiên, xu hướng này không hoàn toàn thắng thế. Rất nhiều người trong số họ nhận ra những cái đòi hỏi cân bằng giữa chi phí, chất lượng và thời gian vốn luôn tồn tại trong bất cứ một sự khởi nghiệp nào. Và họ đã dứt khoát chọn lựa thiết kế và quy trình, hi sinh chất lượng để tiết kiệm chi phí và thời gian.
Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc luôn luôn là một đất nước của các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá. Thực sự thì rất nhiều doanh nhân Trung Quốc biết rõ một chiếc điện thoại di động Motorola ở Chicago hay một đôi giày thể thao của Nike ở Manhattan có giá bao nhiêu.
Họ tự hỏi bản thân , "Nếu tôi có thể làm được những thứ này, tại sao tôi không thể bán nó với giá cao hơn?". Một vài người trong số họ đang tạo tiền đề cho cuộc cánh mạng trong các ngành công nghiệp, chuyển từ các nhà sản xuất giày, máy cầm tay và các mặt hàng giá rẻ khác sang các doanh nghiệp có thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu toàn cầu
Ở Trung Quốc, một số ngành công nghiệp đã đạt tới mức trưởng thành mà các đồng nghiệp Phương Tây khác phải mất hàng thập kỉ mới có được. Trong ngành sản xuất ô tô đã xuất hiện các nhà sản xuát nhỏ lẻ cung cấp dịch vụ trọn gói (trước kia chủ yếu là các doanh nghiệp quốc doanh hoặc liên doanh giữa nhà nước và các nhà sản xuất nước ngoài như Volkswagen).
Các nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đang tạo dựng được các thương hiệu mang tầm toàn cầu như First Auto Works, nhà sản xuất xe tải trọng tải vừa và nhỏ đầu tiên trên thế giới. Tập đoàn Wanxiang (nhà sản xuất các linh kiện ô tô tư nhân ở Hàng Châu) đang nhắm tới việc thu mua các cổ phần tại các công ty Mỹ, châu Âu và Nhật để xây dựng mạng lưới cung cấp toàn cầu và phát triển thương hiệu thế giới.
Các nhà cung cấp đơn lẻ Trung Quốc đang đoàn kết lại. Một vài trong số họ đã tiến tới khẳng định tên tuổi trên trường quốc tế. Đáng kể nhất là, theo phân tích của Booz Allen Hamilton về các chi phí, sự cạnh tranh giá cả ở Trung Quốc (cùng với sự cạnh tranh giá cả ở Ấn Độ) đã tạo nên áp lực đủ mạnh lên lợi nhuận mà theo đó, các hãng sản xuất xe hơi có thể sẽ cần phải giảm 8% chi phí mỗi năm trong nội địa để có thể có lãi và thậm chí là tăng doanh số bán ra lên 10% hoặc hơn thế. Những sự hợp nhất tương tự cũng đang diễn ra trong các ngành sản xuất trang thiết bị, điện tử và dệt may. Tất cả những điều này chứng tỏ sự lớn mạnh thực sự của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Rất nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc đang háo hức với sự trưởng thành này. Đúng là họ muốn nhanh chóng trở nên giàu có nhưng họ không muốn một môi trường hỗn loạn, vô chính phủ. Họ muốn một sự tăng trưởng ổn định và lâu dài. Tất nhiên, họ sẽ không thể ngay lập tức đạt được sự ổn định hoàn toàn bởi quá nhiều chủ doanh nghiệp đang thử sức với quá nhiều cái mới.
Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc tốt nhất sẽ phát triển được các mạng lưới cung cấp phức hợp, thương hiệu, trung tâm nghiên cứu và hạ tầng tài chính nhanh hơn tốc độ mà các nhà quan sát dự đoán. Ngay cả khi chỉ một số nhỏ trong hàng loạt các doanh nghiệp Trung Quốc vượt qua được ngưỡng này thì cũng đủ để tạo ra ảnh hưởng to lớn lên cộng đồng kinh doanh toàn cầu.
-
Thanh Bình (gt)
Nguồn Resilience report
Kỳ tới: Những người thử nghiệm không sợ rủi ro
Phẩm chất đáng quý nhất của những nhà cải cách Trung Quốc không phải là khả năng bắt chước mà là sự sẵn lòng nắm bắt thời cơ và học hỏi từ những thất bại.