Tehran đã tỏ rõ lập trường trên trong bối cảnh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Nga chuẩn bị họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng hạt nhân của nước này.
Tổng thống Iran vẫn bày tỏ lập trường cứng rắn về vấn đề hạt nhân. |
Theo kế hoạch, trong cuộc gặp hôm nay (16/1) quan chức châu Âu và 3 nước Mỹ, Trung, Nga sẽ ấn định ngày giờ cho cuộc họp khẩn cấp của ban lãnh đạo của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA - gồm 35 quốc gia thành viên.
Hiện, cả EU và Mỹ đều muốn đưa vấn đề hạt nhân của Iran lên HĐBA với lý do nước Cộng hoà Hồi giáo này có thể đang tiến hành chương trình sản xuất vũ khí bí mật. Việc này khiến Iran phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo An.
Tuy nhiên, về chương trình hạt nhân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran là Reza Asefi lại khẳng định, nước này không ''vượt quá giới hạn'' và Iran có quyền hợp pháp để tạo ra năng lượng nguyên tử.
Tiếp đó, Bộ trưởng Kinh tế Iran là Davoud Danesh-Jaafari cũng khẳng định, bất cứ sự trừng phạt nào trong tình hình hiện nay sẽ là bất lợi cho phương tây chứ không phải cho Iran. Phát biểu trên truyền hình, ông Jaafari tuyên bố: ''Iran có vị trí khu vực rất quan trọng, nếu có bất cứ bất ổn nào về kinh tế và chính trị với nước này thì nó có thể khiến cả khu vực rơi vào khủng hoảng và giá dầu sẽ tăng cao hơn nhiều so với những gì phương Tây dự đoán''.
''Không có cơ sở pháp lý nào để đưa vấn đề của Iran lên HĐBA. Song, cho dù vấn đề được nêu thì Iran cũng không sợ. Quan điểm của chúng tôi là bảo vệ lợi ích. Thương thuyết, là cách duy nhất để tìm ra một giải pháp dễ chấp nhận cho tất cả các bên'', ông Asefi nói.
Tuần trước, Iran đã nối lại các hoạt động nghiên cứu hạt nhân, gồm quá trình làm giàu uranium quy mô nhỏ để thử máy ly tâm. Nước cộng hoà Hồi giáo này khẳng định, cuộc thử nghiệm vừa tiến hành tách rời hoàn toàn với quá trình làm giàu uranium quy mô lớn - hiện vẫn chưa triển khai.
Việc làm giàu uranium có thể tạo nhiên liệu cho lò phản ứng và cũng có thể dùng làm lõi vũ khí hạt nhân. Phương Tây lo ngại nếu Iran được làm chủ công nghệ này thông qua công tác nghiên cứu thì họ sẽ biết cách chế tạo bom hạt nhân. Do đó, trong suốt hơn 2 năm qua, bộ 3 quyền lực châu Âu là Anh, Pháp và Đức đã tìm mọi cách thuyết phục Iran tự nguyện hạn chế các hoạt động hạt nhân để đổi lấy lợi ích thương mại và nhiều ưu đãi khác song Iran từ chối.
-
Hoài Linh (Theo AFP, CNA)