Iran một lần nữa thách thức ba nước châu Âu và Mỹ khi hôm 13/1 tuyên bố sẽ ngừng toàn bộ các hoạt động thanh tra hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nếu vấn đề hạt nhân của nước này bị đưa ra Hội đồng bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc.
Iran tiếp tục thách thức Mỹ, EU khi nối lại việc nghiên cứu hạt nhân. (BBC) |
Theo lời Bộ trưởng Ngoại giao Iran, ông Manouchehr Mottaki, các nước châu Âu cũng nên thận trọng khi giải quyết vấn đề liên quan đến hoạt động hạt nhân của Iran và khẳng định rằng theo Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, Iran có quyền tiến hành nghiên cứu sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
"Người dân Iran sẽ không cho phép bất cứ nước nào ngăn cản quá trình nghiên cứu hạt nhân này," ông Manouchehr Mottaki nói.
Kể từ năm 2003, Iran đồng ý cho các thanh sát viên quốc tế tới kiểm tra các cơ sở hạt nhân của nước này nhưng tháng 11 năm 2005, Quốc hội Iran đã thông qua một luật cho phép ngăn cản các hoạt động thanh tra của IAEA và tiếp tục nối lại việc làm giàu uranium nếu chương trình hạt nhân của nước này bị đưa ra HĐBA.
Căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran lại nổi lên sau khi nước này dỡ bỏ niêm phong tại cơ sở hạt nhân và nối lại chương trình nghiên cứu hạt nhân. Ba nước lớn trong Liên minh châu Âu, gồm Anh, Pháp và Đức, đã yêu cầu IAEA họp khẩn cấp để bàn về động thái kể trên của Tehran trong khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan cho hay Iran vẫn muốn đàm phán hạt nhân với bộ ba trong EU này.
Ngày 12/1, Mỹ và ba nước Liên minh châu Âu (EU) là Anh, Pháp và Đức đã nhất trí đưa vấn đề hạt nhân của Iran ra HĐBA, một động thái khiến Iran có nguy cơ phải chịu sự trừng phạt của quốc tế, sau khi các cuộc đàm phán với Iran coi như đã thất bại hoàn toàn.
Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice ủng hộ quyết định của 3 nước châu Âu, với cáo buộc Tehran gây căng thẳng trong vấn đề hạt nhân, cho rằng Iran có thái độ thách thức toàn bộ cộng đồng quốc tế. Nga cũng cho rằng quyết định nối lại hoạt động nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân của Iran làm tăng thêm những nghi ngờ rằng Iran có có kế hoạch bí mật phát triển vũ khí hạt nhân.
Hôm 10/1, Iran đã gỡ bỏ các dấu niêm phong tại cơ sở hạt nhân Natanz nhưng nước này luôn bác bỏ cáo buộc rằng đang nghiên cứu chế bom nguyên tử và chỉ tạo năng lượng điện. Tuy nhiên, việc này đã gặp phải phản ứng mạnh mẽ từ các nước phương Tây, vì Mỹ và EU luôn nghi ngờ Iran tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân.
Nguyên Hưng (Theo BBC, AP, ABC News)