Trung Quốc, nước sản xuất than lớn nhất trên thế giới, sẽ đóng cửa khoảng 12.000 mỏ than nhỏ trong vòng 3 năm tới trong nỗ lực cắt giảm tại nạn lao động trong ngành khai thác này, một quan chức nước này cho biết hôm 3/12.
Ngày nào cũng có người chết vì tai nạn hầm mỏ ở Trung Quốc. (AP) |
Ông Triệu Thiết Trùy, người đứng đầu Cơ quan Giám sát An toàn mỏ than Trung Quốc, đã tuyên bố như vậy tại một cuộc họp sau khi sảy ra vụ nổ hầm mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc hôm 27/11 làm ít nhất 169 người thiệt mạng.
Vị quan chức này cũng hứa rằng sẽ dần dần giảm bới các vụ tai nạn hầm mỏ nghiêm trọng ở nước này trong vòng 2 năm tới. "Chúng tôi chỉ có thể và nên giữ lại khoảng 10.000 mỏ than nhỏ tất cả," ông Zhao nói
Những mỏ than bị đóng cửa sẽ bao gồm các mỏ than tư nhân và các mỏ than nhà nước loại nhỏ và các biên pháp như cơ cấu lại sản xuất hay sát nhập sẽ được tiến hành đồng thời với việc đóng cửa các mỏ này. "Việc đóng cửa các mỏ than nhỏ này sẽ không ảnh hưởng tới nhu cầu than của cả nước vì Trung Quốc đã thành lập 13 cơ sở sản xuất than với công suất mỗi mỏ là 100 triệu tấn/năm," ông Zhao nói..
Trung Quốc hiện có khoảng 24.000 mỏ than nhỏ với sản lượng khai thác từ 10.000-30.000, chiếm 70% tổng số mỏ than ở nước này. Tuy nhiên, những mỏ than nhỏ không chỉ gây ô nhiễm các nguồn nước với sự phục hồi kém, mà tình trạng mất an toàn sản xuất cũng thuờng làm xảy ra các vụ tại nạn hầm mỏ chết người lớn.
Hôm 2/12 vừa qua, lại thêm một vụ tai nạn hầm mỏ ở Trung quốc sau sự cố tràn hầm làm 76 công nhân bị mắc kẹt ở một mỏ than ở tỉnh Hà Nam. Trước đó chỉ vài giờ, một vụ nổ hầm mỏ ở thành phố Lục Bàn Thuỷ, thuộc tỉnh Quý Châu, đã làm chết 16 người. Những người phụ trách tại khu mỏ này đã bỏ trốn ngay sau khi tai nạn xảy ra.
Trong khi đó, dư luận Trung Quốc vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ nổ hầm mỏ ở tỉnh Hắc Long Giang, phía bắc Trung Quốc hôm 27/11 làm 169 người chết. Đây được coi là một trong những vụ tai nạn lao động chết người nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc từ trước đến nay và vụ nổ hầm mỏ này là thảm kịch mới nhất giáng xuống tỉnh Hắc Long Giang, vốn đang gánh chịu nạn ô nhiễm hoá chất gây ra cuộc khủng hoảng nước sạch ở thành phố thủ phủ Cáp Nhĩ Tân.
Cũng liên quan đến các tai nạn trên, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Trung Quốc Xie Zhenhua hôm qua đã từ chức để nhận trách nhiệm về vụ nước sông nhiễm độc khiến hàng triệu người không có nước dùng và đang làm quan hệ Nga - Trung trở nên căng thẳng. Hàng tấn chất benzene gây ung thư đổ ra sông Tùng Hoa (đông bắc Trung Quốc), khiến hàng triệu người dân bị cắt nước. Đoạn sông nhiễm độc đang chảy sang Nga và dự kiến sẽ tới nước này ngày 10/12.
Trung Quốc là nước thường xuyên để xảy ra các vụ tai nạn hầm mỏ chết người với hàng ngàn thợ mỏ bị thiệt mạng mỗi năm mặc dù chính phủ đã cam kết làm tất cả có thể để chấm dứt tình trạng này. Vụ tai nạn hầm mỏ nhiều người chết nhất ở Trung Quốc là vụ sảy ra hồi tháng 2/2005 làm 214 người thiệt mạng. Theo thống kê, khoảng 18 thợ mỏ Trung Quốc bị thiệt mạng mỗi ngày.
Ngành công nghiệp khai mỏ, tập trung chủ yếu ở phía đông bắc Trung Quốc, có tỷ lệ tai nạn lao động vào loại cao nhất thế giới, với khoảng gần 3.000 công nhân thiệt mạng chỉ riêng trong nửa đầu năm 2005. Theo số liệu chính thức, các vụ tai nạn hầm mỏ xảy ra tại Trung Quốc trong năm 2004 đã làm hơn 6.000 người thiệt mạng.
Chính quyền Trung Quốc đang phát động nhiều chiến dịch an toàn, đóng cửa các mỏ than hoạt động bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhu cầu lớn cộng với than được giá khiến cho nhiều chủ mỏ bất chấp các quy định của nhà nước.
Ở Trung Quốc, hơn 130.000 người thiệt mạng trong các tai nạn lao động năm 2004.Nguyên Hưng (Theo Xinhua)