Phần lớn những kẻ đánh bom tự sát trên thế giới là đàn ông. Tuy nhiên, gần đây rất nhiều phụ nữ đã tham gia chuẩn bị hoặc trực tiếp tiến hành các cuộc đánh đánh bom khủng bố tại Iraq, Jordan và khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Đối với các nhóm vũ trang ngày nay thì việc sử dụng phụ nữ làm phần tử đánh bom tự sát có thể giúp họ tránh một số lời chỉ trích về tính cực đoan của tổ chức.
Nữ đánh bom khủng bố Chechnya tại nhà hát Moscow |
Một kẻ khủng bố nữ giới sẽ ít bị nhận dạng một cách chính xác vì cô ta không phù hợp với bất cứ miêu tả cụ thể nào về những kẻ đánh bom tự sát mà lực lượng an ninh các nước đã lưu lại trong hồ sơ.
Các vụ tấn công do phụ nữ tiến hành thường diễn ra bất ngờ và gây chấn động hơn so với công việc của các đồng sự nam. Hơn thế nữa, hành động của họ thu hút sự quan tâm của báo giới nhiều hơn và góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho chiến dịch tuyên truyền của các tổ chức khủng bố.
Quan điểm truyền thống coi phụ nữ là người tạo ra cuộc sống hơn là kẻ giết người đã quá lỗi thời trước những cú sốc gây ra bởi các cuộc tấn công khủng bố do chính họ tiến hành.
Những người mẹ, người vợ
Thế giới vẫn còn chưa quên câu chuyện đánh bom hụt của "người đàn bà vô cảm" Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi bị bắt trong vụ đánh bom khủng bố khách sạn Radisson SAS tại Amman, Jordan do cô cùng người chồng đã chết tiến hành. Các cơ quan tình báo xác nhận Sajida không phải là nữ đánh bom tự sát duy nhất mà Al Qaeda chiêu nạp.
Tháng 12/2005, 8 người đã chết tại thành phố Talafar của Iraq dưới tay một nữ đánh bom tự sát tình nghi do Al Qaeda cử đến.
"Người đàn bà vô cảm" Sajida Mubarak Atrous al-Rishawi |
Theo nhà phân tích Trung Đông Roger Hardy của hãng BBC thì việc sử dụng ngày càng nhiều các nữ đánh bom đã phản bác hoàn toàn luận điệu cho rằng phụ nữ trong các tổ chức Hồi giáo chỉ có thể là những người vợ biết nghe lời và những người mẹ cam chịu của các chiến binh cực đoan.
Ngày càng được trọng dụng
Bất cứ đâu trong thế giới Hồi giáo, nữ đánh bom tự sát cũng ngày càng đông đảo hơn về số lượng và tinh nhuệ hơn về kĩ chiến thuật.
Shamil Basayev, trùm khủng bố Chechnya vẫn thường tự hào, khoe khoang về trung đoàn "Goá phụ áo đen", tập hợp những người vợ có chồng thiệt mạng trong các cuộc càn quét của quân đội Nga. Hình ảnh những người phụ nữ đội khăn choàng đen, chỉ lộ mắt và quấn chặt chất nổ quanh mình đã trở thành biểu tượng kinh hoàng cho các cuộc tấn công khủng bố của quân ly khai tại Beslan và nhà hát Moscow.
Chỉ tính riêng năm 2003 đã có 6 trong 7 vụ tấn công tự sát của quân li khai do thành viên trung đoàn "Goá phụ áo đen" tiến hành.
Động cơ của các nữ khủng bố
Theo nghiên cứu của một số học giả, tình thương đối với những số phận bất hạnh nào đó hoá ra lại là động cơ khiến những người phụ nữ tiến hành các hoạt động khủng bố. Họ bất bình trước những bất công mà một số người gặp phải hơn là căm ghét những gì mà chính họ đang phải chịu đựng.
Vụ đánh bom tự sát đầu tiên của một phụ nữ Palestine vào binh lính Israel là do Wafa Idris, 28 tuổi tiến hành. Mẹ cô cho biết có lẽ nguyên nhân khiến cô dấn thân vào vụ tấn công này là sự thương cảm đối với những người đồng bào bị thương mà cô bắt gặp gần nơi làm việc.
Thế giới quan bảo thủ
Các nhóm vũ trang tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát đang sử dụng rất nhiều các nữ đánh bom tự sát |
Cuộc xung đột Israel - Palestine và tình hình hỗn loạn tại Iraq đã nuôi dưỡng những quan điểm Hồi giáo cực đoan của các nữ đánh bom tự sát. Dẫu vậy một số phần tử liều mạng nhất lại không phải là tín đồ Đạo Islam.
Tổ chức Những con hổ giải phóng Tamil tại Sri Lanka (LTTE) đã sử dụng rất nhiều nữ đánh bom khủng bố, đặc biệt là trong vụ ám sát cố thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi. Người ta nói rằng những phụ nữ trẻ độc lập, không theo tôn giáo nào thường là mục tiêu tuyển mộ của LTTE.
Các nhóm du kích người Kurd tại Thổ Nhĩ Kì cũng đào tạo rất nhiều nữ đánh bom. Và giống như LTTE, các vụ đánh bom tự sát của các nhóm này cũng do các nữ du kích theo chủ nghĩa vô thần tiến hành.
Hiện nay các chuyên gia phân tích vẫn còn nghi ngờ về khả năng Al Qeada sẽ giao nhiệm vụ nhiều hơn cho các nữ đánh bom tự sát vì quan điểm của người Hồi giáo Sunni vẫn hạn chế phụ nữ tham gia các công việc chính sự quan trọng.
-
Thanh Bình (Tổng hợp)