Theo sát diễn biến vụ bạo động ngoại ô Paris và cách chính phủ Pháp kiểm soát tình hình, nhiều nước châu Âu đang lo ngại kịch bản tương tự sẽ xảy đến ở nước họ.
>>>>Toàn cảnh bạo động ngoại ô Paris
Trong bối cảnh chính phủ Pháp áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia có giới hạn, gồm cả giới nghiêm ở một số khu vực, các nhà bình luận và chính trị gia châu Âu cảnh báo bạo lực lan rộng không chỉ là vấn đề của riêng nước Pháp.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jose Antonio nói, nếu Pháp thành công trong việc kiểm soát bạo động thì ''đó sẽ là một thắng lợi cho cả châu Âu''. Theo nhà lãnh đạo này, những gì đang diễn ra tại Pháp ''cần được tính trong toàn bộ khung cảnh địa chính trị của Liên minh châu Âu''.
Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Antonio Luis Santos da Costa cũng nhất trí với người đồng nhiệm Tây Ban Nha rằng ''bạo động không chỉ là vấn đề của Pháp. Đó là vấn đề chung của nhiều khu vực khác tại châu Âu''.
Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức số ra hôm nay (9/11) viết, toàn bộ phần còn lại của châu Âu cần chú ý kinh nghiệm của Pháp. ''Nếu học thuyết về mô hình hội nhập của Pháp thất bại là đúng, tất cả mọi người phải đặt câu hỏi rằng trong những trường hợp nào mô hình này sẽ thành công''.
Bộ trưởng Nội vụ Italia Giuseppe Pisanu cho hay, mối đe doạ thực sự ở Italia không xuất pháp từ khu vực ngoại ô như của Pháp mà từ các tổ chức tội phạm khủng bố, bất ổn nội bộ, nhập cư bất hợp pháp và bí mật. Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập Romanio Prodi lại khẳng định, vụ bạo động ở ngoại ô Italia là không thể tránh khỏi.
''Khu vực ngoại ô của chúng ta là tồi tệ nhất châu Âu'', quan chức này nói ''Chúng ta nên nghĩ rằng Italia hoàn toàn khác với Paris. Đây chỉ là vấn đề thời gian''.
Ông Prodi, cựu chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) cho hay: ''Ngoại ô Italia là bi kịch con người, nếu chúng ta không có quyết định nghiêm túc về vấn đề xã hội và nhà ở, chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng như Paris hiện nay''.
Tờ Cotidianul của Romania cũng nói, bạo lực hiện nay ở Paris có thể lan rộng hơn rất nhiều, trở thành một ''intifada euro''. (Intifada: cuộc nổi dậy ném đá, gậy gộc).
Nhiều tờ báo Ảrập cũng lo ngại ''ngọn lửa Pháp'' có thể lan rộng ra toàn châu Âu đồng thời nhấn mạnh tình hình ở Bỉ và Đức, nơi có cộng đồng người Ảrập và Hồi giáo nhập cư sinh sống. Ahmad Sheikh, tổng biên tập kênh truyền hình vệ tinh Al-Jazeera nói: ''Chúng tôi rất quan tâm tới vấn đề này vì nó có thể lan rộng ra toàn châu Âu và ảnh hưởng tới khu vực của người Hồi giáo và Ảrập''.
Tại Copenhagen, Peter Skaarup, phát ngôn viên của đảng Nhân Dân Đan Mạch lại liên kết tình hình ở Paris với các hoạt động phá hoại ở nước này. Tháng trước, hàng chục thanh niên gốc nhập cư đã đốt cháy ôtô, phá hoại các trung tâm mua bán, làm hỏng quầy hàng và định đốt một nhà trẻ trong suốt 4 đêm bất ổn ở khu ngoại ô Rosenhoej.
''Hãy nhìn những gì xảy ra ở Rosenhoej....Đó là một dạng của khủng bố'', ông Skaarup nói.
Tiếp đó, tại Anh, nhà bình luận theo đường lối bảo thủ của tờ Daily Telegraph nhận xét, ''những bất ổn hiện nay ở Pháp chỉ là một xung đột nhỏ trong cuộc nội chiến châu Âu''.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)