Thủ tướng Pháp Dominique de Villepin hôm qua 7/11 tuyên bố nước này có thể sẽ cho phép chính quyền địa phương được áp đặt lệnh giới nghiêm tại những khu vực xảy ra các vụ bạo động để chấm dứt tình trạng mất trật tự, rối loạn trong suốt 12 ngày qua.
Lính cứu hoả Pháp đang cố dập tắt một đám cháy lớn do những kẻ bạo loạn gây ra. |
Trả lời kênh truyền hình Pháp TF1, thủ tướng Villepin nói rằng chính quyền cũng có thể sử dụng tới quân đội để can thiệp vào tình hình bạo động hiện nay. Tuy nhiên, nội các chính phủ sẽ họp ngày 8/11 để tìm ra cách tốt nhất thi hành lệnh giới nghiêm "khi cần thiết".
"Chính quyền địa phương sẽ được áp đặt lệnh giới nghiêm ở những nơi mà họ nghĩ là cần thiết để thiết lập lại trật tự và đảm bảo an ninh cho người dân. Đây là trách nhiệm hàng đầu của chúng ta," ông Villepin nói.
Thủ tướng Pháp đưa ra lời tuyên bố trên khi mà những vụ bạo động tương tự được cho là cũng đang xảy ra tại các nước láng giềng Bỉ và Đức và chính quyền Pháp đang bị chỉ trích không có khả năng chấm dứt bạo động tại nước này. Các nước trên thế giới khuyên công dân của mình ở Pháp phải hết sức thận trọng. Mỹ, Anh, Canada và Nga đã cảnh báo người dân nước mình không nên tới hay đi du lịch tới Pháp trong thời điểm này.
Khoảng 1.500 cảnh sát dự bị đã được huy động cộng với khoảng 8.000 cảnh sát hiện tại nhằm chấm dứt tình trạng bạo động leo thang trong 12 ngày vừa qua khi các thanh niên quá khích đốt cháy ôtô và tấn công cả cảnh sát ở Toulouse. Tuy nhiên, những cuộc bạo động, bạo lực tại Pháp vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm và đã lan ra hơn 300 thị trấn.Hôm qua, một người đàn ông 61 tuổi đã bị chết trong một vụ tấn công, trở thành nạn nhân đầu tiên kể từ khi vụ bạo động xảy ra. Tính tới ngày hôm nay, đã có 4.700 ôtô các loại bị đốt cháy, hơn 1.200 người, chủ yếu là đối với cộng đồng gốc Phi và gốc Arab, bị bắt giữ để thấm vấn, 18 người bị kết án, 108 cảnh sát và lính cứu hoả bị thương...
Các vụ bạo động xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Jacques Chirac nói thiết lập lại trật tự là ưu tiên hàng đầu. Trước đó, ông Jacques Chirac, lần đầu tiên đã phải lên tiếng trước công luận về vụ bạo động đang lan ra trên toàn quốc và cam kết sẽ tìm cách dẹp các vụ bạo lực. Ông nói những ai tìm cách truyền bá sợ hãi và bạo lực sẽ bị bắt. Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy cũng đã cảnh báo sẽ có những án tù nặng đối với những người gây bạo động.
Bạo lực lan tràn hiện nay bị quy cho là hành động của các thanh niên châu Phi và Ảrập, những người bức xúc vì thất nghiệp, cáo buộc phân biệt chủng tộc và bị tách khỏi dòng chính trong xã hội Pháp. Theo Bộ Lao động Pháp, tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở nước này là 22,2% đối với thanh niên dưới 25 tuổi. Nước Pháp cũng là nơi có cộng đồng người Hồi giáo sống đông nhất tại Châu Âu với gần 5 triệu người.
Nguyên Hưng (Tổng hợp)