221
445
Quốc tế
thegioi
/thegioi/
728917
Ngoại ô Paris: Bao giờ tìm lại bình yên?
1
Article
null
Ngoại ô Paris: Bao giờ tìm lại bình yên?
,

Những chiếc xe hơi bị đốt cháy chỉ còn trơ lại khung xe nằm rải rác bên đường. Cảnh sát có mặt ở mọi nơi, đi tuần trên các khu phố tối tăm nhưng họ không thể chấm dứt hành vi bạo động. Lửa vẫn tiếp tục bùng lên, mùi cao su cháy bốc lên nồng nặc. Cảnh tượng giống hệt một bãi chiến trường.

Mười ngày sau khi hai thanh niên người Bắc Phi bị điện giật chết tại một vùng ngoại ô Paris, bạo động vẫn tiếp diễn bất chấp những cảnh báo từ phía Điện Elysee.

Nguyên nhân được xác định là do định kiến xã hội, sự đối xử bất công với người nhập cư và cả nạn thất nghiệp.

Từ một vụ tai nạn đáng tiếc đối với hai thanh niên Bắc Phi, kẽ nứt từ lâu ngấm ngầm trong lòng xã hội Pháp đã bộc lộ: sự chia rẽ giữa một bộ phận dân nhập cư ngày càng tăng và hệ thống chính trị vốn trì trệ trước những biến đổi của xã hội...

Từ một tai nạn ngẫu nhiên...

Rue de Bois vốn là một khu phố thanh bình với những căn nhà nhỏ xinh cùng các ô cửa sổ phủ đầy hoa, những mảnh vườn được cắt tỉa gọn gàng, công phu lấp ló sau hàng rào duyên dáng. Song có lẽ cảnh yên bình chỉ dừng lại ở đó, bởi cuối con đường là khu Clichy-sous-Bois, nằm cách trung tâm Paris đúng 20 km.


 
Clichy-sous-Bois là một trong những vùng ngoại ô có số dân 28.000 người. Tại nơi này, nhiều toà nhà vốn đã cao tầng ngày càng được chồng cao thêm. Người Pháp gọi những toà nhà ấy là "HLM" - viết tắt của từ "habitation a loyer modere", dịch sang tiếng Anh là: "Không có gì vinh dự hơn dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp".

Đó là những toà kiến trúc cao khoảng 10-12 tầng được xây bằng bê tông màu xám, không có mặt tiền. Có một số tầng được trang bị ăng ten chảo gắn trên các ban công. Toàn bộ toà nhà được vây quanh bởi những bãi đậu xe lẻ loi, hoang vắng. Không hề có cửa hiệu nào, không hề có quán cà phê.

Và người ta có thể dễ dàng nhận thấy dấu vết của loạt hành vi bạo động diễn ra suốt 11 ngày qua. Những chiếc xe hơi bị đốt cháy chỉ còn trơ lại khung xe nằm rải rác bên đường. Đa phần những người đi lại quanh khu vực này là thanh niên trẻ gốc Phi hoặc gốc Ảrập. Đây vốn là nơi ở của những người nhập cư, và tỉ lệ thất nghiệp tại nơi này ở vào khoảng 45%.

Cảnh sát có mặt ở mọi nơi, đi tuần trên các khu phố tối tăm nhưng họ không thể chấm dứt hành vi bạo động. Lửa vẫn tiếp tục bùng lên, mùi cao su cháy bốc lên nồng nặc, vây khắp khu Clichy-sous-Bois. Cảnh tượng giống hệt một bãi chiến trường. Đây đó, ở các khu lửa cháy lớn, cảnh sát đội mũ bảo hiểm, có vũ trang được triển khai đông đảo. Còn những nơi cháy nhỏ thì hầu như bị lờ đi. Gần chỗ cảnh sát, từng đám thanh niên yên lặng đứng nhìn.

Cuộc điều tra nguyên nhân có lẽ bắt đầu từ một tai nạn xảy ra tại trạm điện cao thế ở khu lân cận. Ngay trên cánh cửa trạm điện có dòng chữ cảnh báo: "Điện cao thế".  Nhưng chỉ tới lúc gần đây, trạm điện này mới chứng tỏ sự nguy  hiểm chết người của nó khi hai thanh niên trẻ người Bắc Phi, Bouna - 15 tuổi và Ziad - 17 tuổi tìm cách trốn cảnh sát vì họ nghĩ đang bị truy đuổi. Kết quả, cả hai đều chết khi trốn trong trạm điện cao thế 20.000 volt.

Giờ đây, phía trước trạm điện, những bó hoa gói trong nilon được đặt ngay ngắn để tưởng niệm người đã khuất. Ngoài ra còn cả một vòng hoa của Hội đồng thành phố Paris với một dải ruy băng có màu lá quốc kỳ Pháp xanh, trắng, đỏ.

Trong khi dư âm của vụ tai nạn vẫn còn làm người dân các vùng ngoại ô Paris bàng hoàng, thì bạo lực liên tiếp diễn ra, không chỉ ở Clichy-sous-bois mà ở các vùng ngoại ô khác.

...bùng phát làn sóng bạo loạn

Làm thế nào để dập tắt làn sóng bạo loạn ngày càng gia tăng này? Đó là câu hỏi làm đau đầu các nhà chức trách Pháp.

Tại Le Blanc-Mesnil, một vùng đất nằm giữa mũi phía bắc của Paris và sân bay Charles de Gaulle lớn nhất nước Pháp, các thanh niên đã đốt phá một phòng tập thể dục, một trung tâm cho thiếu niên và hàng loạt xe hơi, xe tải.

Cư dân nơi này cho biết bạo lực bắt đầu tại những vùng ngoại ô phía bắc từ ngày 27/10 và đây là đợt bạo lực tồi tệ nhất trong vòng gần 4 thập niên qua ở những vùng có thu nhập thấp nhất nước Pháp.

Mohammed Rezzoug, 45 tuổi, là người trông coi một phòng tập thể hình và sân banh tại Le Blanc-Mesnil. Ông cũng chính là người biết rõ những thanh niên đã gây ra cảnh đốt phá tại các khu phố thuộc vùng này, có lẽ nhiều hơn cả cảnh sát và nhân viên tình báo Pháp.

Ông có thể nhận diện được hầu hết những kẻ tham gia bạo động và tất cả những người còn lại ở các vùng lân cận cũng làm được điều ấy. "Chúng chính là bọn trẻ của tôi", Rezzoug nói. Rezzoug cho biết khoảng 18 thanh niên tuổi từ 15-25 đã gây ra đa phần những vụ hoả hoạn và tấn công nhằm vào cảnh sát.

- Bạo động tại vùng ngoại ô thủ đô Paris bắt đầu bùng phát hôm 27/10 và kéo dài suốt 11 ngày qua.

- Tính tới nay, đã có gần 1.300 xe ôtô bị đốt cháy, gần 400 người bị bắt giữ và hàng chục cảnh sát bị thương.

- Hôm qua, lần đầu tiên Tổng thống Pháp Jacques Chirac lên tiếng cam kết giải quyết vụ bạo động và trừng trị những kẻ gây rối. Ông cũng không quên hứa hẹn giải quyết nạn thất nghiệp lan tràn hiện nay.

Trong khi các chính trị gia nước Pháp cho rằng tình trạng bạo lực đang tiếp tục gia tăng, lan tới trung tâm thủ đô và đổ lỗi cho những nhóm tội phạm có tổ chức thì cư dân vùng Le Blanc-Mesnil biết rõ hơn ai hết.

Đa phần số thanh niên gây bạo loạn tại nơi đây đều lớn lên tại sân bóng của Rezzoug. Họ là con cái của những người kiểm soát hành lý tại Sân bay Quốc tế Charles de Gaulle gần đó, hoặc con cái của nhân viên lau dọn vệ sinh tại các trường học trong vùng.

"Đây hoàn toàn không phải một cuộc cách mạng chính trị hay cách mạng Hồi giáo", Rezzoug nói. "Người ta vô cùng phẫn nộ. Trong toàn bộ vụ bạo động, ai cũng nói: "Tôi đang tồn tại và tôi đang sinh sống trên mảnh đất này".

Rõ ràng người nhập cư đang đòi hỏi phải được xã hội công nhận. Sự đòi hỏi khẩn thiết ấy đã bộc lộ kẻ nứt sâu sắc giữa một bộ phận dân cư ngày càng tăng của Pháp và hệ thống chính trị quá trì trệ, không có khả năng đáp ứng sự chuyển đổi nhanh chóng của xã hội.

Những đứa trẻ và cảm giác bị phủ nhận

Những thanh niên quậy phá ở các vùng nghèo nàn nhất nước Pháp này chính là con cái của người Ảrập, châu Phi nhập cư, đa phần đều bị coi là những công dân không đáng được quan tâm của nước Pháp.

Một trong số thanh niên mà Rezzoug gọi là "những đứa trẻ của tôi" là một cậu bé 18 tuổi, con của hai vợ chồng di cư sang Pháp từ vùng Bờ Biển Ngà. Sau một đêm tham gia đốt phá xe hơi, cậu ngủ một mạch tới 3 giờ chiều.

"Chúng tôi muốn thay đổi chính phủ", cậu nói, kéo thấp chiếc mũ chơi bóng chày màu đen để che đôi mắt màu nâu sôcôla và khuôn mặt đen như mun. "Không còn cách nào để được chính phủ quan tâm. Cách duy nhất giao tiếp với họ là đốt phá".

Giống như đa phần thanh niên được phỏng vấn về sự dính líu trong vụ bạo loạn suốt 11 ngày qua, cậu yêu cầu được giấu kín danh tính vì sợ bị cảnh sát bắt. Nhưng cách cậu và những người khác miêu tả lại hoạt động phá hoại hàng đêm thì không chút sợ sệt, e dè. Vây xung quanh là những thanh niên trẻ khác chăm chú lắng nghe. Xa xa, một số cư dân cao tuổi đang phát thông báo kêu gọi chấm dứt bạo lực.

Le Blanc-Mesnil không phải là một nơi mà giới trẻ mong muốn được sống. Không hề có sự hào hoa mà thế giới vẫn gắn với Paris ở nơi này dù nó chỉ cách kinh đô ánh sáng thế giới 25 phút lái xe. Đây là một thành phố công nghiệp, với các khu liên hợp cứng nhắc, hình hộp và những khu phố nằm kế đường băng. Ở một quốc gia nơi thất nghiệp dao động ở mức 10% năm 2005 thì tỷ lệ thất nghiệp trong số thanh niên dưới 25 tuổi nơi này cao gấp 4-5 lần.

"Chúng tôi cảm thấy bị phủ nhận, so với những người sống ở các vùng khác tốt hơn", Nasim, 16 tuổi nói. "Mọi thứ ở nơi này đều bị bỏ lửng. Không còn chỗ để những đứa trẻ đi".

Cũng như hầu hết các buổi chiều thứ 7 khác, Nasim và bạn bè cậu hầu như không có gì để làm. Chủng chỉ la cà cùng những đứa lớn hơn và lang thang tại các góc đường mà không biết sẽ đi về đâu.

"Ở nơi này, chúng tôi không hề có giấc mơ kiểu Mỹ. Chúng tôi thậm chí không có cả giấc mơ của người Pháp nữa", Rezzoug chua chát kết luận như vậy sau khi đã "khảo sát ý kiến" của các thanh niên trong vùng.

Bao giờ cho đến bình yên?

Nguyên nhân bạo động thì đã rõ: định kiến xã hội và cách đối xử bất công đối với người nhập cư, kết hợp với tình trạng thất nghiệp hàng loạt của giới trẻ.

Một kế hoạch khôi phục trật tự đã được vạch ra trong đó giải pháp về lâu dài là: giải quyết nạn thất nghiệp cho tầng lớp thanh niên. Như vậy liệu có đủ khi nguồn gốc của sự bất mãn vẫn còn tồn tại: Định kiến???

Cho tới lúc này, mọi lời chỉ trích tập trung nhằm vào Bộ trưởng Nội vụ Nicolas Sarkozy, người có nhiều hy vọng trở thành Tổng thống Pháp vào năm 2007. Chính sách "không khoan nhượng" và những ngôn từ cứng rắn của ông, ngay cả cách ông đổ lỗi cho thanh niên ở khu Clichy-sous-Bois gây ra vụ khủng hoảng đã làm nhiều người bất bình.

Một trong số những người chỉ trích mạnh mẽ nhất có lẽ là Francois Hollande, Chủ tịch đảng Xã hội đối lập.

 Đề cập tới chính sách cứng rắn của Sarkozy, ông Holland nói: "Không thể chịu đựng được Sarkozy. Không thể chịu đựng những ngôn từ đầy khiêu khích, không còn những chính sách ngăn ngừa nữa. Trên thực tế, Sarkozy chỉ bị ám ảnh bởi việc tranh cử làm Tổng thống. Ông ta không còn là Bộ trưởng Nội vụ nữa mà là bộ trưởng cho riêng ông ta".

Tương tự như Hollande, Bộ trưởng Cơ hội công bằng Azouz Begag cũng lên tiếng chỉ trích Sarkozy. Ông Begag cho rằng bộ trưởng Nội vụ đã không hề cho ông biết kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Begag nhấn mạnh rằng để thiết lập lại trật tự, một trong những việc đầu tiên phải làm là giải quyết nạn phân biệt đối xử.

"Sarkozy chỉ biết nói quá nhiều", Mohamed, 13 tuổi buông câu ngắn gọn. Cậu đang đứng gần đoạn đường giao nhau ở khu Clichy-sous-Bois và nhìn cảnh sát kéo xác những chiếc xe hơi cháy xém vào lề đường.

"Giống như họ đang kéo những người da đen và người Ảrập vào lề đường vậy. Nếu muốn chứng kiến nhiều hơn, chỉ cần đi ngược con phố này và rẽ phải ở cột đèn giao thông kế tiếp", cậu buồn bã nói trước khi biến mất trong bóng đêm.

  • Huyền Trang - (Tổng hợp)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,