Chính quyền Saddam đã nhận những khoản đút lót và lại quả trị giá tới 2 tỉ USD từ hơn 2.400 công ty buôn bán với Iraq qua chương trình "Đổi dầu lấy lương thực".
LHQ xem xét bản báo cáo dài hơn 600 trang của Uỷ ban điều tra độc lập. |
Đó là nội dung báo cáo dài 600 trang của LHQ công bố hôm qua (27/10). Đây là báo cáo thứ 5 cũng là cuối cùng về chương trình gây nhiều tranh cãi do Uỷ ban điều tra Độc lập LHQ tiến hành.
"Tác động của kết luận này sẽ rất lớn", cựu Giám đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ Paul A. Volcker, Chủ tịch uỷ ban điều tra nói. "Ai đó lẽ ra phải đứng lên và yêu cầu ngừng chương trình, nhưng họ đã không làm vậy. Cuối cùng, mọi việc lại kết thúc trong một mớ hỗn độn, gây nhiều tranh cãi".
Theo ông Volcker, việc nêu tên các công ty trong bản báo cáo không phải là bằng chứng về việc phạm tội mà chỉ đơn thuần là những thông tin chứng tỏ rằng nhân viên điều tra của LHQ đã "phát hiện một số bằng chứng về việc thao túng bằng cách này hay cách khác". Việc công bố báo cáo đánh dấu sự kết thúc cuộc điều tra kéo dài 18 tháng về một chương trình nhân đạo với tổng giá trị lên tới 64 tỉ USD.
Báo cáo kết luận gần một nửa các công ty tham gia vào chương trình Đổi dầu lấy lương thực đã chuyển tiền bất hợp pháp cho chế độ Hussein trong đó, số công ty và cá nhân lại quả đến từ 66 nước và số trả thêm cho các hợp đồng dầu mỏ đến từ 40 nước.
Chiếm số đông trong danh sách này có lẽ là những công ty của Nga. Theo khá sát Nga là các công ty Pháp.
Về phía Mỹ, hơn chục cá nhân và công ty đã bị các công tố viên liên bang và tiểu bang cáo buộc dính líu tới vụ bê bối này. Một trong số đó là Oscar S. Wyatt, người sáng lập Tập đoàn dầu lửa Coastal. Tuy nhiên ông này đã được bào chữa vô tội tại một toà án ở New York hôm qua.
Khoản lại quả lớn nhất được nêu trong báo cáo là từ công ty của Malaysia, Mastek. Theo đó, công ty marketing dầu của Iraq, SOMO đã nhận hơn 10 triệu USD tiền trả thêm từ Mastek trong thời gian 2001-2002.
Hoạt động của ngân hàng Pháp BNP-Paribas - nơi phải chịu trách nhiệm cho chương trình trị giá 64 tỉ USD này cũng bị nêu trong báo cáo. Không những thế, báo cáo còn nêu rõ cựu Đại sứ Pháp tại LHQ Jean-Bernard Merimee đã nhận 165.725 USD tiền hoa hồng từ chính quyền Iraq. Hiện ông này đang bị nhà chức trách Pháp điều tra.
Uỷ ban điều tra cũng đề cập tới Tổng thư ký Kofi Annan và cho rằng con trai ông đã lợi dụng chức vụ của cha để kiếm lợi. Đồng thời, uỷ ban chỉ trích HĐBA LHQ vì đã không quản lý tốt chương trình này.
-
HT - (Theo WP, AP)